Hết thời start-up “đốt tiền” đổi lấy tăng trưởng nóng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mặc dù được xem là niềm khát khao của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, nhưng The Kafe, Soya Garden hay nhiều tên tuổi khác nổi đình đám lại nhanh chóng thất bại sau thời gian ngắn. Nguyên nhân nằm ở chỗ họ đã gặp rủi ro khi chọn tăng trưởng nóng.
Các chuyên gia về khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm với start-up tại hội thảo vừa diễn ra
Các chuyên gia về khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm với start-up tại hội thảo vừa diễn ra

Theo ông Lê Quốc Vinh- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê, phong trào khởi nghiệp (start-up) ở Việt Nam hiện vẫn rất rầm rộ, nhưng đa số các mô hình này đều thất bại. Gần đây nhất, những cái tên đình đám như: The Kafe, Soya Garden từng là niềm khát khao của các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng cũng đã thất bại. Vậy nguyên nhân vì sao?

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh- Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho hay, một số doanh nghiệp “tăng trưởng nóng” bằng cách “đốt tiền” thì mô hình đó rủi ro.

“Duy trì doanh nghiệp đó bằng cách “đốt tiền” để lấy khách hàng thì được tăng trưởng nhanh nhưng khi thị trường biến động thì các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm thì nguồn đầu tư vào các dự án đấy cũng giảm xuống. Đây là do sự phát triển không cân đối dẫn đến thiếu nguồn tiền dừng hoạt động.

Ở góc nhìn của tôi, thế mạnh của người Việt mình là linh hoạt và đánh du kích cho nên tôi nghĩ rằng mình lựa chọn thế mạnh và lối đi ngách để tìm 1 hướng đi an toàn thì sẽ phù hợp hơn là “đốt tiền”- ông Nguyễn Chí Thanh nói.

Đồng quan điểm này, ông Hùng Trần- Co-Founder Got it Inc: "Rất nhiều doanh nghiệp buộc phải xóa bài đi chơi lại" vì “đốt tiền” để tăng trưởng nóng không còn phù hợp và thể hiện sự yếu thế trong bối cảnh thị trường chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Theo ông Bùi Thành Đô- Founder & Partner Think Zone Ventures, nhiều doanh nghiệp start-up vừa qua tại Việt Nam thất bại là vì vừa rồi thị trường quá nhiều biến động.

“Các start-up luôn luôn đi theo mô hình mới, mà mô hình mới thì yếu tố rủi ro đi cao hơn rất nhiều. Nếu mô hình không chứng minh được giải quyết được vấn đề thì nó phải dừng lại thôi. Ở Việt Nam, các bạn khởi nghiệp ít nguồn lực hỗ trợ so với thị trường khác nên tỷ lệ start-up Việt bị thất bại cũng là chuyện bình thường. Theo quan điểm cá nhân thì không có mô hình không tăng trưởng nóng mà tạo ra siêu lợi nhuận được, rất ít”- ông Bùi Thành Đô nói.

Với các start-up chọn tăng trưởng nóng, thông thường họ chọn dịch vụ đơn giản, dễ chấp nhận với chính sách criết khấu cao, chấp nhận “đốt tiền” để thu hút khách hàng. Họ kì vọng khi khách hàng ở lại họ có thể đẩy thêm các dịch vụ khác, gia tăng trị người dùng lớn hơn nhưng nếu công ty tính toán không đủ tốt thì công ty bị hụt hơi.

Theo ông Bùi Thành Đô, khoảng 3 năm nay, rất nhiều start-up tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn. Họ coi việc tạo ra 1 công nghệ có lợi thế dẫn dắt có core value rõ ràng hơn thay vì là tạo ra 1 mô hình mua bán đơn thuần, sử dụng tiền của các quỹ đầu tư để tăng trưởng. Những mô hình như vậy rất khó để gọi được vốn và nếu muốn gọi được thì họ phải chứng minh được họ có nhiều kinh nghiệm.

Theo các chuyên gia, hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn rất sôi động, dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Dịch bệnh đã khiến số doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh và mở mới giảm tương ứng nhưng không vì thế sự hào hứng của hệ sinh thái khởi nghiệp hạ nhiệt.

Tuy vậy, lựa chọn mô hình tăng trưởng khi khởi nghiệp vẫn là bài toán khó với những người mới bước vào khởi sự kinh doanh.