Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu trong ASEAN?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba trong ASEAN sau Indonesia và Singapore.
Khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng trưởng mạnh

Khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng trưởng mạnh

Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC, Bộ KH-ĐT) vừa khởi động dự án báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022.

Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp một bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện, đa chiều trong 11 lĩnh vực nổi bật: hàng tiêu dùng nhanh, án lẻ, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, martech & salestech, logistics và chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, nông nghiệp, du lịch và lữ hành, blockchain & crypto.

Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường và số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động.Trong đó, các ngành hàng: thương mại điện tử (E-commerce), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ y tế (Medtech), công nghệ giáo dục (Edtech), truyền thông trực tuyến (Online media), và các giải pháp số cho doanh nghiệp được dự báo sẽ tạo bứt phá trong thu hút đầu tư.

Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy- Giám đốc điều hành quỹ DO Ventures, năm 2022 và những năm tiếp theo, tổng nguồn vốn đầu tư sẽ tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới.

Báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam” cho thấy, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo trong những năm qua, thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.