Hé lộ sự thật về Tam giác quỷ Bermuda

ANTĐ - 70 năm trước, ngày 5-12-1945, 5 chiếc máy bay của Mỹ đang tham gia huấn luyện chiến đấu trên Đại Tây Dương bỗng dưng biến mất không để lại dấu vết. Đó là sự việc mở đầu cho loạt tai nạn bí ẩn ở vùng biển sau này được đặt tên là Tam giác quỷ Bermuda. Sự thật về một trong những nơi bí hiểm nhất đối với ngành hàng không thế giới đang dần hé lộ.

Hé lộ sự thật về Tam giác quỷ Bermuda  ảnh 1Bản đồ Tam giác Bermuda

Loạt tai nạn không thể giải thích

Ngày 5-12-1945, sau khi 5 chiếc máy bay khởi hành từ căn cứ Fort Lauderdale, Florida, tháp không lưu nhận được thông báo lạ lùng: “Mọi thứ có vẻ rất lạ, chúng tôi đang bay vào một vùng nước trắng  và hoàn toàn mất phương hướng”. Sau đó, vài tiếng nổ phát ra và rồi tất cả rơi vào im lặng. Dù cơ quan chức năng đã mở cuộc tìm kiếm rộng khắp nhưng 5 chiếc máy bay và 14 người trong phi hành đoàn như tan biến trong không khí.

Chỉ vài tiếng sau khi 5 máy bay Mỹ biến mất khỏi màn hình radar, một chiếc thủy phi cơ PBM - Mariner được điều đi thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ cũng mất tích, không bao giờ trở về cùng với 13 người trên máy bay.

Hiện tượng bí ẩn này chưa kết thúc. Vào năm 1948 và 1949, 3 máy bay bị mất tích trong cùng khu vực và một chiếc du thuyền có tên Conemara IV được tìm thấy trôi dạt trên biển mà không một bóng người vào năm 1955. Vài năm sau, 2 chiếc máy bay Stratotankers của Không quân Mỹ cũng mất tích ở vùng biển này. 

Chuyện gì đã xảy ra với những trường hợp mất tích kỳ lạ này? Người thì cho rằng tồn tại một lực lượng siêu nhiên ở khu vực này, người thì tưởng tượng phi hành đoàn đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc... Nhưng có một điều được đa số công nhận, tất cả các tai nạn này đều xảy ra ở một khu vực tam giác trên Đại Tây Dương rộng khoảng 1 triệu dặm vuông nằm giữa Miami, Puerto Rico và Bermuda.

Hé lộ sự thật về Tam giác quỷ Bermuda  ảnh 2Đội hình máy bay Avenger của quân đội Mỹ

Giải mã bí ẩn

70 năm trôi qua, một lần nữa nhà văn Giles Milton của Anh đã mở cuộc điều tra riêng về Tam giác Bermuda. Theo cuốn sách mới nhất của Giles Milton, người dẫn đầu đội bay hôm đó là Trung tá Charles Taylor đã có 2.500 giờ bay. Không có báo cáo nào cho thấy máy bay có vấn đề về kỹ thuật, 5 chiếc đều được nạp đầy nhiên liệu, cất cánh lúc 14h10 ngày 5-12-1945, sau đó hướng về đảo Abaco, phía Bắc Bahamas. 

Đàm thoại trên sóng vô tuyến cho thấy, khoảng 15h40, một thành viên phi hành đoàn yêu cầu được định hướng:  “Tôi không biết mình đang ở đâu. Chúng tôi bị lạc đường sau lượt rẽ cuối”. Vài phút sau, Trung tá Taylor nói: “Cả hai la bàn của tôi không hoạt động và tôi đang cố tìm Fort Lauderdale, Florida”. Ông đã cố gắng xác định vị trí của mình bằng cách dựa vào những hòn đảo phía dưới nhưng không thể. Các nhân viên mặt đất tại Fort Lauderdale đã nỗ lực hết sức để liên hệ với Trung tá Taylor nhưng không thành. Họ xác định vị trí cuối cùng của các máy bay là cách đất liền Bahamas chừng vài dặm. “Tất cả đội, hãy bay gần nhau”, tiếng của Đội trưởng Taylor truyền qua radio lần cuối lúc 18h20. 

Nguyên nhân thảm kịch sau này được kết luận là do lỗi con người và la bàn trục trặc. Trung tá Taylor đã sai lầm khi tin rằng ông vẫn bay ở vùng Florida Keys, trong khi trên thực tế, mỗi lần chuyển hướng, đội hình bay càng tiến xa hơn về phía biển. Ngoài ra, do đóng quân ở Miami nên vị chỉ huy này không quen thuộc địa hình Fort Lauderdale.

Theo tác giả Giles Milton, những vụ tai nạn tiếp theo cũng lần lượt được làm sáng tỏ. Chiếc máy bay tìm kiếm PBM-Mariner gặp trục trặc nên đã nổ tung trên bầu trời. Tàu Connemara IV (không có phi hành đoàn) bị cuốn trôi ra biển trong một cơn bão. Còn nguyên nhân 2 chiếc Stratotankers mất tích là do va vào nhau và rơi xuống Đại Tây Dương.

Như vậy, “Tam giác quỷ Bermuda” có lẽ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Hãng bảo hiểm hàng hải Lloyd's của London cũng như lực lượng tuần duyên Mỹ sau này đều cho rằng, thực ra, những mất mát như đã kể trên là không đáng kể khi so sánh với số lượng tàu thuyền và máy bay thường xuyên đi qua khu vực này.