Hé lộ kế hoạch “khủng” của Viettel sau sự cố đứt cáp AAG

ANTĐ - Với tầm nhìn dài hạn, Viettel muốn Việt Nam trở thành một hub trung chuyển dữ liệu quan trọng trong khu vực và loại bỏ hoàn toàn nỗi lo đứt cáp hiện nay.
Hé lộ kế hoạch “khủng” của Viettel sau sự cố đứt cáp AAG ảnh 1

Đứt cáp quang không ảnh hưởng đến khách hàng của Viettel

 Từ đầu tháng 6-2015, cáp quang biển AAG bị đứt. Tuy nhiên, khách hàng Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố này bởi sau khi tiếp nhận tuyến cáp Liên Á (IA) từ EVN Telecom, Viettel đã đầu tư mạnh, chuyển đổi công nghệ từ 10Gbps/bước sóng lên 100Gbps/bước sóng, nâng tổng dung lượng thiết kế lên gấp 7 lần (450Gbps lên gần 3Tbps).

Giá thành cũng giảm xuống chỉ còn 1/10 trước đó. Dung lượng dư giả giúp Viettel không chỉ đáp ứng tốt cho khách hàng của mình mà còn hỗ trợ ứng cứu dung lượng cho các nhà mạng khác khi cáp biển AAG xảy ra sự cố.

Theo ông Mai Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Kinh doanh quốc tế (Tổng công ty Viễn thông Viettel), việc nâng cao lưu lượng dự phòng cho 2015 đã được Viettel tính đến và lên phương án chuẩn bị từ năm 2014. Do đó, dung lượng dự phòng luôn được chuẩn bị sẵn, khi cần dùng là có. Tất cả đều nằm trong lộ trình đầu tư, nâng cấp và định tuyến dung lượng truyền dẫn quốc tế dựa trên Quy hoạch dài hạn 15 năm về hạ tầng truyền dẫn quốc tế của Tập đoàn Viettel.

Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp "dài hơi" của Viettel. Đại diện Viettel vừa hé lộ, năm 2016-2017, 2 tuyến cáp mới là APG (kết nối Việt Nam tới các HUB IP lớn nhất Châu Á) và AAE-1 (kết nối Việt Nam tới các HUB IP lớn nhất của 3 châu lục Á-Phi- u) sẽ đi vào hoạt động với tổng dung lượng lớn hơn nhiều các hướng sẵn có. 

“Trong dự án cáp quang biển AAE-1, Viettel là doanh nghiệp duy nhất Việt Nam tham gia với mức đầu tư Tier 1, và cũng là đơn vị duy nhất chủ trì trạm cập bờ của tuyến cáp tại Việt Nam. Điều này giúp Viettel có được dung lượng và quyền lợi rất tốt khi tuyến cáp đi vào khai thác”, ông Đỗ Minh Phương- Tổng giám đốc Viettel Telecom cho hay. 

Trong năm 2017 – 2018, Viettel sẽ phát triển ít nhất 2 hướng đi quốc tế nữa, kết nối tới các Hub IP lớn của thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Hồng Kong, Singapore…. Hạ tầng mạng lưới sẵn có trên đường trục Đông Dương của Viettel tại Lào và Campuchia vừa đóng vai trò mạng vu hồi dự phòng, vừa là cửa ngõ để mở thêm các hướng đi quốc tế trên đất liền về phía Tây trong tương lai. 

Với hệ thống như vậy, dù bất kỳ hướng cáp quang nào bị đứt cũng không ảnh hưởng tới khách hàng. Viettel không chỉ đảm bảo an toàn thông tin và các cổng Internet cho khách hàng của mình. Doanh nghiệp này đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp bán dung lượng truyền dẫn tin cậy, và đưa Việt Nam trở thành hub kết nối quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Viettel đang “bán buôn” lưu lượng quốc tế cho những khách hàng ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, HongKong, Brunei, Malaysia... Danh sách này không ngừng được mở rộng. 

Ông Đỗ Minh Phương khẳng định: “Nếu xét về vị trí địa lý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cổng kết nối quan trọng trong khu vực. Quan trọng hơn là việc này đảm bảo an toàn, an ninh thông tin về mọi hướng cho Internet Việt Nam. Khi đó, Internet Việt Nam sẽ không còn cảnh phụ thuộc vào một tuyến cáp biển hàng năm bị đứt nữa”.