HDI nói gì về các giao dịch mua cổ phần tại PVI?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công ty HDI Global SE (HDI) đã lên tiếng khẳng định đã tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc các quy định pháp luật của Việt Nam trong các giao dịch mua cổ phần của Công ty Cổ phần PVI (PVI).

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có 2 công văn (Công văn số 4513/UBCK-TT ngày 20/7/2020 và Công văn số 5106/UBCK-TT ngày 20/8/2020), yêu cầu HDI có ý kiến liên quan đến các giao dịch mua cổ phần PVI từ 2018 đến nay.

UBCKNN cho rằng HDI đã sử dụng phương thức mua trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời (Sunway) rồi nhận thế chấp là cổ phiếu PVI của Sunway, trong khi hợp đồng đăng ký mua trái phiếu này thể hiện che giấu bản chất HDI là chủ sở hữu thực sự với cổ phiếu PVI mà Sunway đang nắm giữ.

UBCKNN cũng cho rằng với các hợp đồng mua bán như vậy, HDI đã vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.

Trong văn bản phản hồi mới đây, HDI bày tỏ quan điểm không đồng tình với thông tin trên. Trong thông cáo phát đi, ông Jens Wohlthat - Thành viên HĐQT thường trực của HDI Global SE và Chủ tịch HĐQT PVI khẳng định đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, HDI luôn xem xét và kiểm tra các quy định của pháp luật một cách chặt chẽ, để đảm bảo hoạt động đầu tư tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc pháp luật Việt Nam.

“Trong suốt quá trình đầu tư và đặc biệt từ năm 2017 đến nay, HDI đã có nhiều buổi họp, trao đổi, hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với mục tiêu đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của PVI. Chúng tôi tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo sự thành công trong việc thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí tại PVI” – ông Jens Wohlthat cho biết.

Ông Jens Wohlthat giữa)- Thành viên HĐQT thường trực của HDI Global SE và Chủ tịch HĐQT PVI

Ông Jens Wohlthat giữa)- Thành viên HĐQT thường trực của HDI Global SE và Chủ tịch HĐQT PVI

Đối với tiến trình tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại PVI, HDI cho biết việc tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong PVI đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của PVI, đại diện 99,94% cổ phần có quyền biểu quyết PVI thông qua, vào ngày 27/4/2017. ĐHĐCĐ của PVI đã giao cho HĐQT tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai Nghị Quyết này.

Thủ tục này chỉ mang tính chất kỹ thuật theo đó PVI cần điều chỉnh bỏ một số ngành nghề kinh doanh trên thực tế PVI không hoạt động và điều chỉnh lại cam kết phạm vi hoạt động ngành kinh doanh bất động sản áp dụng cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong vòng 2 năm kể từ ngày 27/4/2017, đại diện PVI vào thời điểm đó đã nhiều lần cản trở và trì hoãn không đưa nội dung điều chỉnh ngành nghề kinh doanh vào chương trình nghị sự của các phiên họp hội đồng quản trị.

Việc trì hoãn này được tháo gỡ từ lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí , trực tiếp chỉ đạo nhắc nhở yêu cầu lãnh đạo PVI thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.

Do đó, nội dung điều chỉnh ngành nghề kinh doanh PVI đã được đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ và thông qua vào ngày 29/3/2019. Hồ sơ xin tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% của PVI được nộp lên UBCKNN vào ngày 9/4/2019 và UBCKNN chấp thuận vào ngày 19/4/2019.

Với những luận điểm trên, phía HDI khẳng định: “ HDI tin chắc chúng tôi tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc pháp luật Việt Nam”.

Ngoài ra, HDI cho biết, từ khi HDI là cổ đông lớn, khoản nộp ngân sách nhà nước từ PVI thông qua các khoản thuế tăng đáng kể, nhờ lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVI tăng từ 588,1 tỷ đồng lên 701,8 tỷ đồng, từ đó tăng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ 157,2 tỷ đồng lên 212,0 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống người lao động, số nhân viên cũng đươc tăng đáng kể từ 2.532 lên 2.592 nhân sự, tổng quỹ lương thưởng tăng 47% từ 214,1 tỷ đồng lên 314,6 tỷ đồng từ năm 2018 đến năm 2019…

HDI Global SE có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức, và hiện là cổ đông lớn nhất tại PVI, với tỷ lệ sở hữu 44,37%; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn thứ hai, sở hữu 35% vốn tại PVI.