Hãy tránh xa "bùa lưỡi"

ANTD.VN - Rút kinh nghiệm từ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cơ quan chức năng đã phản ứng khá nhanh bằng việc đưa ra cảnh báo về loại ma túy mới mang tên “tem giấy” ngay khi xuất hiện ca loạn thần đầu tiên trên cả nước. Đây là lúc truyền thông cũng cần lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ. 

Rút kinh nghiệm từ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cơ quan chức năng đã phản ứng khá nhanh bằng việc đưa ra cảnh báo về loại ma túy mới mang tên “tem giấy” ngay khi xuất hiện ca loạn thần đầu tiên trên cả nước.

Đây là lúc truyền thông cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để thông tin cảnh báo về chất gây nghiện nguy hiểm này được phổ biến đến tận các ngõ ngách, thậm chí đến tận tai người dân. Cả xã hội cùng hành động kịp thời, không cho “tem giấy” hủy hoại một thế hệ thanh niên như các loại ma túy khác đã và đang làm. 

Thực tế cho thấy, các loại ma túy thường hấp dẫn, thu hút một lớp thanh thiếu niên thiếu hiểu biết, ham chơi, nhất là ham cảm giác mạnh, muốn chứng tỏ mình sành điệu. Bao tai họa, hậu quả đã, đang và sẽ để lại dường như chưa đủ làm họ sáng mắt, tỉnh ngộ. Song đôi khi, cũng khó trách bởi thực tế một số thanh thiếu niên chỉ là nạn nhân của những kẻ buôn bán ma túy lọc lõi và ngụy trang rất khéo.

Thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình, nhà trường, một bộ phận thanh thiếu niên dễ ngả vào “vòng tay” của những tên tội phạm với đủ mưu ma chước quỷ. “Thử một lần… cho vui”, song đến khi nhận ra nguy cơ thì đã nghiện rồi, không bỏ được. Vì vậy, việc giải thích, tuyên truyền thế nào để thanh thiếu niên và cả các bậc phụ huynh hiểu được nguy cơ trở nên hết sức quan trọng trong công tác phòng ngừa.   

Không bao giờ nên nghĩ rằng việc báo động nguy cơ ma túy là quá sớm. Ngược lại thường là quá muộn khi nó đã lan nhanh như một đám cháy, bởi khi đó thì các biện pháp, cố gắng ngăn chặn cũng khó cứu chữa, dập tắt. Phòng chống, ngăn ngừa từ xa không khi nào là thừa, bởi vì ma túy có ma lực cực mạnh thường tấn công những đối tượng thanh thiếu niên, kể cả sinh viên thiếu bản lĩnh.

Học cái tốt, làm điều hay lẽ phải thường khó hơn rất nhiều học thói xấu, bập vào nghiện ngập ma túy, cờ bạc. Thậm chí chẳng cần “học”, chỉ một hai lần “thử cho biết”, a dua hay nghe lời dụ dỗ, khích bác của bạn bè xấu là “dính” như không. Vì thế, từ trong gia đình đến nhà trường, ra ngoài xã hội không thể thờ ơ, lơ là. Hãy tránh xa “bùa lưỡi” bằng hành động cụ thể để một lớp trẻ không trở thành nạn nhân của bất kỳ loại ma túy nào.