Hãy trả lại giá sữa cho thị trường

ANTĐ - Vào đầu năm 2014, có một dịp, giá sữa và các thành phẩm thức ăn công thức dành cho trẻ em tăng đột biến. Nhiều ông bố, bà mẹ đã phải lên tiếng, báo chí cũng vào cuộc. Nhưng tất cả đều tắt tiếng.

Lý do các doanh nghiệp sữa đưa ra và cả ý kiến của Bộ Tài chính khẳng định: Giá sữa thành phẩm tăng là do giá sữa nguyên liệu thế giới tăng. Các con số cho thấy điều đó đúng. Lại thêm nữa, Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 70% tổng sản phẩm sữa tiêu dùng (trong đó 50% là nguyên liệu sản xuất sữa và 20% là sữa thành phẩm), vì vậy, tỷ giá tăng thì giá sữa phải tăng. Các ông bố bà mẹ nghẹn họng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ còn cách đưa 754 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh sách bình ổn giá mà không thể có yêu cầu nào với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng trở lại đây, mặc dù giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12-20%, đặc biệt tại thị trường Australia, có những thời điểm giá sữa giảm tới 30-35%. Nhưng, nghịch lý là giá sữa tại Việt Nam lại vẫn giữ nguyên, thậm chí một số sản phẩm còn có xu hướng tăng nhẹ từ 3.000-10.000 đồng/hộp.  

Trong thông báo mới nhất về quản lý giá sữa công bố ngày 20-9, Bộ Tài chính cho rằng: Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, do giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp từ tháng 6-2014 đến nay ổn định, các nguyên liệu sản xuất sữa có loại tăng, loại giảm.

Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 4, giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc có xu hướng giảm khoảng 20%. “Tuy nhiên mức giá nguyên liệu giảm nêu trên là mức chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường”, đại diện cơ quan này cho hay. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu sữa chỉ chiếm khoảng 40-45% giá bán, trong đó ở các loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem, tỷ lệ này chỉ là 20-25%.

Vấn đề quản lý giá sữa thì vô cùng bất cập. Đã đến lúc Bộ Tài chính cần nhìn thẳng vào thực tế để bãi bỏ quy định bình ổn giá sữa, trả lại cho thị trường tự điều tiết. Cần phải dùng các biện pháp thị trường phá vỡ độc quyền của các nhãn hiệu sữa nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp sữa trong nước nếu chấp nhận giá sữa thấp hơn, không chấp nhận việc nhãn hiệu ngoại tăng giá bừa bãi.

Ngoài ra, hoạt động truyền thông, tư vấn trong cộng đồng, đặc biệt với sự tham gia của Bộ Y tế và Hiệp hội Bảo vệ người người tiêu dùng là rất quan trọng. Khi người tiêu dùng có được nhận thức đúng đắn về chức năng của các dòng sản phẩm sữa, họ sẽ không bị cuốn theo các quảng cáo và mua những sản phẩm sữa không thực sự cần thiết. Họ sẽ được trả lại quyền chọn lựa sản phẩm phù hợp.

Và lúc đó, các nhà sản xuất phải thay đổi thái độ và tập trung sản xuất, cung cấp các loại sản phẩm sữa thông dụng và phù hợp hơn với thị trường Việt Nam thay vì làm nhiễu loạn và khiến người tiêu dùng hoang mang như hiện giờ. Khi ấy, cơ hội cho các nhà sản xuất sữa Việt Nam lớn hơn, giá bán các sản phẩm sẽ cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn.