Hãy nghĩ nhiều hơn, khi đọc...

ANTĐ - Suốt nhiều tháng, cư dân mạng có những tranh luận gay gắt về thực hư chuyến đi qua 25 quốc gia của một cô gái 23 tuổi trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Sáng qua 19-9, trong một cuộc họp báo, giới thiệu phần 2 của cuốn sách,  tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) đã thẳng thắn giải đáp những thắc mắc xung quanh những chi tiết bị cho là vô lý trong tác phẩm.

Huyền Chip cùng với những người dân châu Phi

“Tìm việc chưa bao giờ dễ dàng”

Phần 2 của cuốn “Xách ba lô lên và đi” với tên gọi “Đừng chết ở châu Phi” của tác giả Huyền Chip chính là câu chuyện nối tiếp về cuộc hành trình cô đã đi qua kể từ cuốn đầu tiên “Châu Á là nhà” vốn đã gây được nhiều sự chú ý trước đó. Ngay khi nội dung của cuốn sách này được hé lộ, trên cộng đồng mạng bùng lên những tranh cãi dữ dội về độ xác thực của những câu chuyện mà cô gái 9X này kể lại. Trong đó, vấn đề dư luận quan tâm nhiều nhất vẫn là làm thế nào để Huyền Chip tự xoay xở kiếm tiền, chứng minh tài chính, xin được visa qua 25 quốc gia, cũng như một mình đối phó với vô số hiểm nguy rình rập nơi đất khách. 

Tại buổi họp báo diễn ra vào sáng qua, 19-9, Huyền Chip đã gặp phải  rất nhiều câu hỏi có phần gai góc và tương đối “khó nhằn”. Trong đó, trả lời về việc “chỉ cần có 700 USD để du lịch qua 25 nước”, Huyền Chip khẳng định, đây hoàn toàn không phải số tiền để chi trả cho toàn bộ chuyến đi mà chỉ là kinh phí ban đầu. Cô gái trẻ cho biết mình đã phải tự kiếm sống và làm mọi việc để trang trải cho hành trình của mình. Huyền cũng khẳng định xin việc chưa bao giờ là dễ dàng. Từ việc viết bài cho một trang web với giá 10 USD/bài, cho đến làm diễn viên quần chúng ở Bollywood với đồng lương 500 - 1.000 rupee…, phần lớn đều là những công việc bán thời gian và ngắn ngày. Huyền cũng thẳng thắn thừa nhận, để có đồng lương cao, cô chấp nhận làm việc tại một casino ở Tanzania sau khi may mắn thuyết phục được người quản lý. 

Xung quanh thắc mắc của độc giả về vấn đề visa, Huyền Chip đã công bố hộ chiếu trong đó có dấu xác nhận của nhiều quốc gia cô đã đi qua. Cô cũng khẳng định, dù khó tin nhưng cô cũng đã xin visa để qua nhiều nước như Nepal, Kenya, Tanzania, Zimbabwe… mà không phải chứng minh tài chính. Tuy nhiên, cô cũng đã từng thất bại trong việc xin visa vào một số nước như Nam Phi, Jordan… và đó cũng là một phần lý do cô đã phải chuyển đích đến sang những quốc gia khác. Cô cũng nhiều lần phải dựa vào “CouchSurfing” - một mạng lưới những người trẻ toàn cầu kết nối với nhau giúp đỡ những người đi du lịch bụi có chỗ ở miễn phí. 

Tin vào lòng tốt của con người

Câu chuyện về một cô gái mới 19, 20 tuổi một mình thực hiện một chuyến đi đầy bất trắc và khó tin như Huyền Chip trong “Xách ba lô lên và đi” chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều nghi ngờ và tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, cô xứng đáng được khâm phục vì nghị lực, sự can đảm, dám nghĩ dám làm. Chia sẻ những ngày lang thang nơi đất khách, gặp đủ thứ chuyện từ việc bị đói, hết sạch tiền cho đến tai nạn gãy chân, bị mất cắp…, rồi ngồi trên xe buýt chỉ biết khóc. Huyền tâm sự, đã có những lúc cô đơn cùng cực, nhớ nhà, biết bố mẹ lo lắng, chỉ muốn về Việt Nam ngay lập tức, nhưng không có đủ tiền mua vé máy bay, lại phải tiếp tục đi, và kiếm sống -  “Cảm giác bị đói không đáng sợ bằng việc không ai giúp đỡ mình. Nhưng tôi tin vào lòng tốt của con người và không có gì phải hối tiếc”. Cũng qua hành trình gian nan ấy, Huyền chia sẻ những kinh nghiệm quý giá mình tích lũy được, từ việc bất cứ khi nào lên xe, cô luôn chụp lại biển số và gửi cho một người có thể tin tưởng được để tìm được cô nếu có chuyện không may. Hay khi đặt chân đến một đất nước nào đó, Huyền cố gắng ghi nhớ 50 - 100 từ đơn giản để nói chuyện với người bản xứ. Và cuốn “Xách ba lô lên và đi” chính là một cuốn nhật ký hành trình đầy quả cảm, với vô số những thông tin thiết thực cho những tín đồ du lịch “bụi”. 

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Cá nhân tôi nhận thấy về mặt văn chương chưa có gì mới. Nhưng tôi thích là sự chân thực trong từng lời nói của em ấy, không cố tình hoa mỹ hay nói tốt cho bản thân”. Cũng theo bà, cái quan trọng là khi cầm trên tay, hãy nghĩ xem cuốn sách đã đem lại cho ta những gì. Độc giả, nhất là những độc giả trẻ hãy từ cuốn sách mà học được cách sống có trách nhiệm, chứ đừng vì đó mà nhìn cuộc sống toàn một màu hồng. Cũng như tác giả đã chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đi du lịch để lấy thành tích. Bản thân tôi có những việc đã phải cân nhắc có nên viết ra cho mọi người biết hay không. Nhưng nhờ trả giá cho những sai lầm thì mới biết cách vượt qua, nhờ những vất vả, những trải nghiệm tôi mới có cơ hội trưởng thành”.