Hãy để trẻ học cách tự lập!

ANTĐ - Tuần qua, trên mạng internet xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh 2 em nhỏ trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khệ nệ bê thùng inox từ tầng 4 xuống tầng 1. Sự việc khiến cho nhiều người không khỏi bức xúc, tuy nhiên, phần lớn bạn đọc lại cho rằng, đó là việc bình thường và giúp trẻ tự lập nhiều hơn trong cuộc sống. 

Nên giao cho trẻ việc nhẹ nhàng để tập thói quen lao động và chia sẻ với cha mẹ

Từ đoạn clip trên mạng

Đầu tuần qua, trên mạng xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh 2 bé trai khệ nệ bê chiếc thùng inox từ tầng 4 xuống tầng 1. Theo mô tả, đó là những chiếc thùng to gần bằng người các em. Đoạn clip cũng cho thấy sự mệt mỏi của 2 em nhỏ khi phải di chuyển từ trên cầu thang xuống cùng chiếc thùng. Các em phải liên tục nghỉ ở các chiếu nghỉ, thậm chí phải nghỉ ở giữa cầu thang. Theo đó, đoạn clip trên được cho là quay tại cơ sở 2 của trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ở địa chỉ 100 phố Thúy Ái.

Ngay sau đó, Ban Giám hiệu trường Mầm non Lê Quý Đôn đã kiểm tra, xác minh và xác định 2 cháu bé này là Q và M, học sinh lớp mẫu giáo lớn A2 do 2 cô Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Minh Phương phụ trách. 

Qua làm việc, cô Hồng thừa nhận 2 học sinh này thuộc diện lớn của lớp và khá nhanh nhẹn nên các cháu rất vui vẻ được cô nhờ, tuy nhiên sau một hai lần như thế, bản thân cô Hồng cảm thấy áy náy vì thấy hai cháu khá vất vả nên sau đó cô không nhờ nữa. Ngay sau đó, cô Hồng đã liên hệ, đến tận nhà gặp phụ huynh 2 cháu Q và M để xin lỗi và mong được gia đình 2 cháu thông cảm, bỏ qua.

Trước sự việc đáng tiếc trên, Ban Giám hiệu trường Mầm non Lê Quý Đôn đã quyết định hình thức xử lý kỷ luật khiển trách, cắt các danh hiệu thi đua cả năm học 2012-2013 đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng; Nghiêm khắc phê bình, cắt thi đua tháng 3 đối với cô giáo Nguyễn Minh Phương. 

Hãy để trẻ học cách tự lập

Sự việc khiến cho dư luận không khỏi bức xúc, tuy nhiên, phần lớn ý kiến của bạn đọc lại cho rằng đó là việc bình thường, “cho các em rèn luyện, lao động cũng là việc nên làm” và điều đó sẽ giúp cho trẻ học cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

“Một hai lần bê cái đó thì có gì đâu nhỉ, các ông bố, bà mẹ bây giờ úm con kĩ quá, chẳng cho làm gì, thành ra, mới có như vậy thôi mà làm um cả lên. Đành rằng, nếu nó quá sức thì cô giáo nên rút kinh nghiệm, còn việc nhờ để các em làm, cũng là cách giáo dục trẻ con có ý thức với cộng đồng hơn đấy. Bé nhà tôi mới có 2 tuổi, tôi đã nhờ cháu mang hộ đồ từ tầng 1 lên tầng 4, cháu rất vui vẻ vì xong việc, tôi khen và thơm cháu, cảm ơn cháu. Có sao đâu”, bạn đọc Thu Hà chia sẻ.

Bạn đọc Bùi Phi Nga nói: “Tôi ủng hộ việc các cháu làm giúp cô những việc vừa sức. Nếu chúng ta không giáo dục các cháu lao động ngay từ khi còn nhỏ thì sau này lớn lên các cháu chẳng biết làm gì. Mình ủng hộ 2 cô giáo. Các vị phụ huynh nên xem lại cách suy nghĩ của mình. Nhà trường cũng nên bảo vệ 2 cô giáo”. 

Đồng tình với ý kiến đó, bạn đọc Minh Hằng cho biết: “Mình cũng ủng hộ chuyện các con giúp đỡ cô. Con nhà mình vì luôn đi học sớm nhất lớp nên ngày nào các cô cũng nhờ xếp bàn ghế (cũng nặng và to); còn các bé giúp cô trải chiếu, xếp bát đĩa, thu dọn dụng cụ học tập... Các con rất hào hứng giúp đỡ cô, thậm chí còn tranh nhau chứ chẳng phải là công việc khổ sở gì. Mình cũng muốn con tập rèn luyện cho quen. Hôm nay post link bài này lên FB (facebook – mạng xã hội, PV), thì ra bạn bè mình đều có suy nghĩ như mình cả”.

Bạn đọc Thúy Nga chia sẻ: “Tình trạng này không chỉ diễn ra ở trường Mầm non Lê Quý Đôn. Tôi từng cho con học tại một trường tư thục tại Chùa Láng. Trong 2 ngày đầu ở lại trường với con, tôi thấy bữa nào các cô cũng yêu cầu 2 - 3 bạn trai lớp lớn bê 1 chậu bát đũa của lớp từ tầng 2 lên tầng 6. Nhà ống, cầu thang dốc, tôi nhìn thấy rất thương các con. Tuy nhiên, các con lại rất vui vẻ với công việc ấy. Phải chăng chúng ta cũng không nên khắt khe quá về vấn đề này”.

“Tôi thấy cái này cũng bình thường. Cháu tôi ở nhà nó còn bê cái thùng đồ chơi to bằng nó, bởi vì nó muốn thế và không ai cấm cả. Như thế cũng tốt cho cháu rèn luyện sức khỏe”, tuy nhiên, việc làm của các bé, dù là nhỏ “nhưng nhất thiết phải có người theo dõi”, bạn đọc Nguyễn Thắng nói.