Hậu quả khủng khiếp

ANTD.VN - Trong khi mưa lũ vẫn đang hoành hành dữ dội ở các tỉnh miền Trung, gây hậu quả nặng nề về người và của, Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đầu đoàn công tác lên đường đi thị sát tình hình để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. 

Chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa huy động tổng lực giúp người dân vượt qua hoạn nạn. Đồng bào cả nước xót xa, hướng về khúc ruột miền Trung với những hành động, việc làm thiết thực nhằm cứu trợ bà con gắng gượng, đứng vững.

Hàng trăm năm nay, miền Trung vốn là một dải đất luôn phải hứng chịu mưa to, lũ lớn nhất cả nước. Đây lại là vùng đất nghèo khó, đất đai cằn cỗi, nhỏ hẹp, sông ngắn và dốc. Chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lũ. Song, hầu như chưa có năm nào ở vào thời điểm cuối năm, những trận mưa to, rất to liên tục trút xuống, lũ chồng lũ, có địa phương phải hứng tới 5 trận lũ lớn chỉ trong nửa tháng.

Số người chết chỉ riêng ở Bình Định đã lên tới con số 11. Thiệt hại, mất mát do mưa lũ chưa thể thống kê hết về nhà cửa, trường học, bệnh viện, giao thông, các công trình, cơ sở vật chất. Trong lúc lụt bão nguy nan này, các đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, rà soát, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận được các khu vực dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân nào bị đói khát. 

Bởi thực tế, mặc dù một số địa phương có dự trữ lương thực, nước uống cũng chỉ được dăm ba ngày. Trong khi đó, lũ dữ bốn, năm cơn liên tục chà đi, xát lại. Hàng nghìn hộ gia đình đã cạn sạch gạo, mì, mắm, nước uống. Hơn thế, giữa dòng lũ cuồn cuộn chảy xiết, giữa mênh mông biển nước, việc vận chuyển cứu trợ tới những thôn, xã bị nước lũ bao vây bốn bề thật không dễ dàng.

Đoàn công tác của Chính phủ, đặc biệt yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa nước, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức vận hành an toàn góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố vỡ đập. Hiện nay mưa lũ vẫn chưa ngớt, lũ chưa rút, hàng trăm nghìn người dân vẫn đang điêu đứng, vật vã chống chọi với thảm họa từ trên trời rơi xuống, trong đó có nguyên nhân đã được chỉ rõ là do biến đổi khí hậu, sự cực đoan, trái khoáy của thời tiết, mà Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất. 

Tuy nhiên, tai họa từ trên trời rơi xuống, dưới con mắt của các nhà khoa học, lại chính là do bàn tay con người gây ra ngay trên mặt đất. Những hành động hủy hoại môi trường như xả khí thải gây ô nhiễm bầu khí quyển, “đục thủng” tầng ozon, nhất là nạn chặt phá rừng, đốt rừng, hủy diệt tầng sinh thái... tất yếu sẽ dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Suy cho cùng nói “thiên tai” thực ra là “nhân tai”. Nói cách khác, đó chính là hậu quả chúng ta đã... biết trước bởi chính hành vi do con người gây ra.