Hậu quả của sự hấp tấp

ANTĐ - Việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” một cách vội vã và phổ biến trên thế giới đã tác động tiêu cực tới đời sống người dân, nhất là người nghèo dễ bị tổn thương.

Người dân Anh xuống đường biểu tình phản đối việc cắt giảm chi tiêu và phúc lợi xã hội

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 3-6 đã phê phán việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” một cách quá đà và “hấp tấp” của các chính phủ trên thế giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm tổn thương những người yếu thế trong xã hội. Ngân sách khắc khổ mà rất nhiều quốc gia thực thi đã ảnh hưởng tiêu cực tới đại đa số người lao động, đặc biệt là những người nghèo ở các nước đang phát triển.

Bà Isabel Ortiz, Giám đốc Công tác phúc lợi xã hội của ILO cho biết, chỉ trong năm 2014 đã có ít nhất 122 quốc gia trên thế giới, trong đó có 82 nước đang phát triển, cắt giảm các khoản chi tiêu công. Nghiên cứu của ILO cho thấy, hiện có khoảng 70% số dân trên thế giới không có được sự bảo vệ thích đáng từ các khoản trợ cấp xã hội.

Ngay tại các nước phát triển là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nơi nhiều quốc gia áp dụng cắt giảm mạnh ngân sách khi thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ, cũng đã xuất hiện thêm rất nhiều người nghèo mới. Ước tính có tới 123 triệu người, tương đương 25% dân số EU, hiện được xếp vào dạng nghèo do trợ cấp xã hội bị cắt giảm mạnh. 

Xu hướng thực hiện chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công hiện nay trái ngược với thời kỳ đầu bùng phát cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn 2008-2009, ít nhất 48 quốc gia phát triển đã tung ra các gói kích thích trị giá 2,4 tỷ USD, trong đó dành tới 1/4 đầu tư vào lĩnh vực phúc lợi xã hội. Chính sách đó đã không chỉ giúp nền kinh tế thăng bằng, ổn định trở lại mà còn giúp bảo vệ những người thất nghiệp và yếu thế nhất trong xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ trên thế giới đã dần loại bỏ biện pháp kích thích kinh tế, đi đôi với đó là cắt giảm mạnh chi tiêu công từ khoảng năm 2010 trở lại đây.

Theo ILO, việc cắt giảm chi tiêu công đã ảnh hưởng tiêu cực tới những dịch vụ chăm sóc xã hội, y tế cho người nghèo. Số liệu thống kê cho thấy, cứ 10 người thì có 4 người ở các nước phát triển như EU không tiếp cận được với hệ thống chăm sóc y tế, trong khi con số này ở các nước đang phát triển lên tới 9/10 người. 

Ngoài ra, trên toàn cầu hiện chỉ có 12% số người thất nghiệp được nhận trợ cấp xã hội, con số này ở Tây Âu là hơn 60% dân số, còn ở Trung Đông và châu Phi chưa đến 3% dân số được nhận trợ cấp. Trong khi đó, tình trạng dân số già ở các nước phát triển khiến nhiều người về hưu sống dưới mức nghèo khổ. Tại ít nhất 14 nước châu Âu, mức lương hưu trí trong tương lai dự kiến sẽ giảm. 

Theo bà Isabel Ortiz, việc cắt giảm lương hưu, hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, việc loại bỏ tiền trợ cấp, cắt giảm nhân viên xã hội và nhân viên y tế… đã ảnh hưởng tới người dân nghèo vào thời điểm việc làm khan hiếm, thất nghiệp cao cũng là lúc họ cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết. Trước tình hình này, Phó Tổng giám đốc ILO Sandra Polaski kêu gọi các quốc gia hãy chi phí xã hội cao hơn trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 để bảo vệ những người dễ tổn thương khi mà nền kinh tế phục hồi không ổn định sau khủng hoảng.