Hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông là “không thể chấp nhận”

ANTĐ - Mặc dù Mỹ không công khai lên tiếng ủng hộ nước nào đối với những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng bất chấp những ngôn từ ngoại giao, phía Mỹ đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng: Trung Quốc không nên tiếp tục các hành vi gây hấn trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Kết thúc 2 ngày 9 và 10-7, Đối thoại Chiến lược và kinh tế (S&ED) thường niên lần thứ 6 giữa Mỹ và Trung Quốc đã nhấn mạnh vào các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, hợp tác thương mại - đầu tư và các thông lệ quốc tế. Vấn đề tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu để phục vụ cho các công ty Trung Quốc và tình hình căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các láng giềng, trong đó có 3 đồng minh quan trọng của Mỹ là những vấn đề gai góc đã phủ bóng lên Đối thoại và thu hút được sự quan tâm của không những giữa Mỹ - Trung mà còn cả các nước trong khu vực. 

Trong bài phát biểu khai mạc S&ED, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa “Nếu chúng ta đối đầu, chắc chắn sẽ là một thảm họa với không chỉ 2 nước mà cả thế giới”.

Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định xung đột giữa 2 quốc gia là không thể tránh khỏi bởi 2 nước đi theo con đường phát triển khác nhau. Ông Tập Cận Bình ngờ vực “Một vấn đề sai lầm có thể làm hỏng toàn bộ cam kết” và kêu gọi Mỹ nên tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc và 2 nước nên kiềm chế, không áp đặt quan điểm của họ đối với phía bên kia. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình nêu rõ hai nước cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy đàm phán về hiệp định đầu tư song phương nhằm sớm đạt được thỏa thuận. 

Bắc Kinh đã trách Washington đẩy mạnh quan hệ quân sự với các quốc gia châu Á khác mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đủ rộng lớn cho cả 2 quốc gia, ông kêu gọi 2 bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Đáp lại phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc, nhưng hy vọng Trung Quốc lựa chọn việc đóng vai trò có trách nhiệm trong xử lý các vấn đề quốc tế.

“Hãy để tôi nhấn mạnh rằng, Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc” - ông Kerry nói. Dù không đứng về bên nào trong những tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Mỹ đã lên án những hành vi của Trung Quốc có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực: “Chúng tôi hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh thượng”.

Song, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng việc tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở các biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp với các nước láng giềng là điều “không thể chấp nhận”; đồng thời nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc “gây bất ổn và mang tính đe dọa” và không mang lại lợi ích cho Trung Quốc xét về lâu dài. Mục tiêu của Mỹ là muốn Trung Quốc tìm cơ chế hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ chế pháp lý.

Mỹ đã dùng những lời lẽ cứng rắn và thẳng thắn gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển dai dẳng cho dù 2 nước cam kết theo đuổi hợp tác thay vì đối đầu. 

Tờ New York Times cũng cho biết ông Kerry còn kêu gọi Trung Quốc ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý mà các nước châu Á khác đang xây dựng nhằm áp dụng luật biển và ngăn chặn các hành động đơn phương ở Biển Đông và Hoa Đông. Washington tin rằng, trật tự dựa trên các quy tắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là điều thiết yếu. Mỹ muốn Trung Quốc đóng góp và tham gia vào trật tự đó, chứ không phải bất tuân các quy tắc của khu vực và thế giới.

Giới phân tích nhận định, cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung đem lại rất ít đồng thuận. TS Kenneth Liebefthal thuộc Viện Brookings (Mỹ) nói các vấn đề bất đồng giữa hai nước không chỉ có kinh tế, an ninh mạng… Bắc Kinh còn cáo buộc Washington đang thiết lập một phiên bản NATO châu Á, thông qua việc củng cố liên minh quân sự với các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Còn Washington cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng cái gọi là “lợi ích cốt lõi”, gộp cả khu vực tranh chấp ở biển Đông vào đã thể hiện sự hung hăng với các nước khác. “Giờ đây, Mỹ đòi hỏi làm rõ hơn những yêu sách của Trung Quốc hiện nay là gì. Và phản ứng của Trung Quốc là không mấy thân thiện”, ông Liebefthal nói. 

Trong bài bình luận mới đây trên tạp chí Forbes, các chuyên gia cũng nhận định sự phản ứng yếu ớt từ Mỹ và các nước trong khu vực sẽ càng khuyến khích Trung Quốc sử dụng đến chiêu bài kinh tế lẫn vũ lực để thực hiện tham vọng tại Hoa Đông và Biển Đông. Bài viết trên tờ Forbes thậm chí còn kêu gọi “Mỹ nên đơn phương hỗ trợ những quốc gia nhỏ hơn tại Biển Đông. Còn các nước này cần cân nhắc xúc tiến những chiến dịch đặc biệt và bí mật để chống lại các công cụ như giàn khoan mà Trung Quốc triển khai trái phép tại vùng biển Việt Nam”.

Theo phân tích, nếu không vấp phải các phản ứng tương ứng, chính quyền Bắc Kinh sẽ ngày càng lấn tới và chiếm lấy nhiều lãnh hải hơn, gây tổn hại uy tín của Mỹ và ép buộc các nước khác phải nhượng bộ trong tranh chấp. Mặt khác sự liên minh chặt chẽ của các nước trong khu vực về nhiều lĩnh vực có thể dần dần lớn mạnh thành các lực lượng đối trọng, nhằm tiến tới bảo vệ các ranh giới đã được quốc tế thừa nhận.

Hôm 10-7, báo Washington Post của Mỹ đánh giá quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa. 

Vấn đề an ninh mạng là chủ đề chính thứ hai trong đối thoại Mỹ - Trung lần này. Hồi tháng 5-2014, Tư pháp Mỹ vừa truy tố năm quân nhân Trung Quốc vì tội “gián điệp kinh tế và tin tặc”. Bắc Kinh đã triệu đại sứ Mỹ để phản đối và cáo buộc Washington “đạo đức giả”, sau khi cựu nhân viên tư vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA, Edward Snowden tiết lộ các hoạt động gián điệp quy mô lớn của Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng đã hủy bỏ cuộc họp của một nhóm làm việc về an ninh mạng với Mỹ, được thiết lập cách nay một năm. 

 Đáp lại, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng thái độ tức tối của Trung Quốc “gây xói mòn quan hệ Mỹ - Trung cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và quốc tế”. Dường như không kỳ vọng vào một sự đột phá, các quan chức cấp cao đi cùng Ngoại trưởng Kerry từ chối đưa ra nhận định về khả năng thành công của cuộc đối thoại về an ninh mạng.