Hành trình vượt hàng nghìn cây số đi tìm hạnh phúc

ANTD.VN - Yêu nhau được một thời gian ngắn thì hai ông bà phải xa nhau để ông ra miền Bắc tham gia kháng chiến. Lúc ra đi, ông hứa 2 năm sau sẽ trở về cùng bà xây dựng mái ấm hạnh phúc. Thế nhưng, hơn 20 năm đã trôi qua mà ông vẫn chưa về. Gần nửa cuộc đời từ lúc tuổi còn thanh xuân cho đến khi đầu điểm 2 thứ tóc, bà vẫn lặng lẽ chờ đợi với một niềm tin son sắt. Ngày hòa bình lập lại, một mình bà “thân gái dặm trường” vượt hàng ngàn cây số để đi tìm hạnh phúc của đời mình. Đó là câu chuyện tình đầy cảm động của bà Trương Thị Ba (SN 1937, trú tại thị trấn Gio Linh, Quảng Trị).

Đám cưới đặc biệt không có chú rể

Bà Ba vốn sinh ra ở làng Mai Xá, thị trấn Gio Linh, Quảng Trị. Lúc bà còn trẻ, vùng quê của bà bị giặc Pháp đánh phá ác liệt. Căm thù trước sự tàn ác của địch, những người dân nơi đây đa phần đều giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm, bản thân bà cũng vậy.

Tuy là con gái nhưng từ lúc lên 10 tuổi, bà đã cùng bạn bè đồng trang lứa tụ tập chơi xung quanh nơi địch đồn trú, nghe ngóng thông tin, rồi lợi dụng sơ hở của bọn lính “ăn cắp” lựu đạn về cho bộ đội. Lớn lên, bà hăng hái tham gia lực lượng thanh niên xung phong kháng chiến tại địa phương. 

Những năm tháng hoạt động cách mạng tại quê nhà, bà vô tình gặp và quen chàng trai Trương Quang Giao hiền lành, vui tính. Sau những đêm sinh hoạt văn nghệ dân quân du kích cùng nhau, tình cảm của hai người càng trở nên thắm thiết và rồi họ yêu nhau lúc nào không hay. Tình cảm của họ cứ lớn dần theo thời gian, hai người hứa hẹn một ngày không xa sẽ cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. 

Thế nhưng, khi mong muốn chưa kịp thực hiện thì ông nhận được lệnh tập kết ra Bắc kháng chiến.

"Tôi còn nhớ ngày ông ấy lên đường là ngày 10-7-1954. Lúc chia tay nhau, ông bảo với tôi rằng em cứ chờ anh làm xong nhiệm vụ với Tổ quốc, 2 năm sau khi đất nước hòa bình và tổng tuyển cử anh sẽ về. Mình muốn có hạnh phúc riêng thì phải có được hạnh phúc chung trước đã. Nhìn ông ấy đi, tôi buồn lắm chứ, nhưng vì trách nhiệm với quê hương nên mình đành phải gác lại tất cả”, bà Ba tâm sự. 

Thời gian đầu, hai ông bà vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua những bức thư chan chứa tình cảm. Cứ tưởng rằng, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết thì ông sẽ trở về với bà như lời hứa, nhưng không ngờ, từ lúc này, đất nước bị chia cắt làm đôi, địch khóa tuyến liên lạc Bắc - Nam ở vĩ tuyến 17.

Việc cắt đứt mối liên hệ này cũng khiến cho hai ông bà mất liên lạc với nhau từ đó. Nhiều đêm nằm một mình, bà nhớ ông vô cùng, nhớ lời hứa hẹn năm xưa mà hai người đã nói với nhau rồi bà mơ về cái ngày hai người được về chung một nhà nhưng nó càng trở nên xa xôi khi bây giờ một dòng tin tức về ông, bà cũng không có. Bà cũng lo sợ không may ông đã hi sinh. Tuy nhiên trong lòng bà vẫn chất chứa một niềm hy vọng ngày hạnh phúc sẽ sớm đến với mình. 

3 năm sau ngày ông đi, địa phương nơi bà sinh sống bị địch chiếm đóng. Bọn sĩ quan địch nhìn thấy bà xinh đẹp cứ buông lời tán tỉnh, chọc ghẹo. Trước tình cảnh này, bà xin phép hai bên gia đình được làm đám cưới với ông.

Nghe đến đây, ai cũng tỏ ra e ngại vì ông Giao bây giờ không biết ở đâu, nếu đã cưới nhau rồi mà lỡ ông Giao không may gặp chuyện gì thì bà phải làm sao. Vậy nhưng, bỏ qua tất cả, bà vẫn cương quyết giữ ý định đó, bởi trong lòng bà vẫn tin ở một nơi xa xôi nào đó, ông sẽ hạnh phúc khi biết bà vẫn sắt son chờ đợi. 

“Phải thuyết phục nhiều lắm thì hai bên gia đình mới miễn cưỡng đồng ý theo ý kiến của tôi. Và rồi, đến cuối năm 1955, đám cưới của tôi được tổ chức. Tôi cũng mặc áo cô dâu nhưng không có chú rể dắt tay như những đám cưới khác. Hôm đó người dắt tay tôi là anh em, họ hàng. Trong cuộc đời, đám cưới là một ngày vô cùng quan trọng nhưng ngày quan trọng đó với tôi đặc biệt như thế. Tôi đã từng nghĩ, người con gái chỉ có một lần như thế nhưng tôi lại không được. Cũng tủi thân lắm nhưng khi nghĩ về ông thì mọi chuyện lại tan biến”, bà Ba chia sẻ. 

Cuốn nhật ký của ông vẫn được bà Ba lưu giữ cẩn thận

Hành trình đi tìm hạnh phúc 

Mặc dù bà Ba đã làm đám cưới, nhưng bọn sĩ quan địch vẫn không để cho bà được yên, chúng tìm mọi cách để quấy quá. Năm 1958, chúng đề ra điều kiện những người có chồng ra Bắc tập kết phải viết đơn ly dị để gửi ra Bắc xác nhận nếu ai không nghe sẽ gây khó khăn, thậm chí sẽ bắt giam.

Trước áp lực của địch, nhiều phụ nữ lúc đó không thể chịu đựng được nên đành phải làm theo lời chúng. Riêng bà, nhiều lần chúng tới tận nhà và viết giấy sẵn để bà ký nhưng bà vẫn không làm theo. Bực tức, chúng liền cho người bắt giam bà để uy hiếp tinh thần.

“Khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1964, tôi bị bọn chúng bắt đi không biết mấy lần. Mỗi lần như thế chúng giam tôi từ 3 đến 4 tháng. Ngày nào chúng cũng cho người vào để ép tôi ký đơn ly dị nhưng không được. Tôi hiểu rằng, khi mình đã quyết định cưới ông ấy rồi thì mình đã là người của ông, phải một lòng son sắt, chung thủy và không làm điều gì có lỗi với chồng. Biết không làm gì được nên sau đó chúng cũng thả tôi ra. Thế nhưng chúng luôn cho người theo dõi rồi vẫn tán tỉnh nên tôi quyết định bỏ trốn khỏi địa phương, lên núi để tham gia cách mạng và tiếp tục chờ ngày ông trở về”, bà kể. 

Thời gian cứ thấm thoắt trôi qua, 5 năm, 10 năm rồi 20 năm, hình ảnh cô thôn nữ Trương Thị Ba phơi phới tuổi thanh xuân năm nào bây giờ mái đầu đã điểm bạc. Nhìn thấy bà như thế nhiều người khuyên hãy tìm cho mình một hạnh phúc mới chứ biết ông còn sống không khi mà gần 2 thập kỷ không có một dòng tin tức. Đi đâu cũng nghe những lời này nhưng bà vẫn không hề lay động. Bà tin rằng ông vẫn còn sống nhưng vì chưa có điều kiện nên không thể liên lạc về gia đình. 

Ngày hòa bình lập lại, những ấp ủ, mong mỏi của bà cũng bắt đầu được nhen nhóm khi nhận được lá thư ông gửi về. “Năm 1974, ông ấy gửi thư về địa phương hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi và mọi người. Ông ấy bảo vì nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành nên không thể về sớm được.

Lá thư của ông chỉ ghi một địa chỉ tương đối chung chung là hòm thư số 650, Quân khu 8. Khi nhận được bức thư này, lòng tôi có một cảm giác bồi hồi khó tả. Cuối cùng thì ông trời cũng thương cho tình cảm của chúng tôi. Những gì trải qua không bao giờ uổng phí cả”, bà Ba xúc động nhớ lại. 

Năm 1975, chiến dịch mùa xuân đại thắng, bà Ba hồi hộp chờ đợi ngày ông trở về đoàn tụ. Ngày nào cũng vậy, thấy đơn vị bộ đội nào trở về bà lại chạy ra ngóng trong xem có ông không. Nhưng hết đơn vị này đến đơn vị khác đều không thấy, bà quay về trong sự thật vọng.

Sau 2 tháng mòn mỏi một cách bị động, trong lòng bà có cảm giác nóng ruột. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định bắt xe vào miền Nam để tìm chồng. Chuyến xe đò đưa bà Ba hướng vào Nam khi đất nước vừa hòa bình gần 2 tháng đầy rẫy những hiểm nguy, trong khi manh mối duy nhất chỉ là địa chỉ hòm thư 650, Quân khu 8. 

Bước chân xuống Sài Gòn, bà tìm đến Ban quân quản rồi Trung ương Cục miền Trung dò hỏi thì chỉ được cung cấp một thông tin mù mờ rằng đơn vị này đóng ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Không một phút chậm trễ, bà ra bến xe miền Tây đón xe về Mỹ Tho, vào tới Quân khu 8 có người cho biết đơn vị này đang đóng ở huyện Cai Lậy cách đó 50km nhưng khi về tới Cai Lậy thì không một cơ quan nào biết về đơn vị K650. 

Thất vọng nhưng không đành lòng trở về mà chưa gặp được chồng, bà trở ngược lại Ban chỉ huy Quân khu 8 và trên chuyến xe lam bà may mắn gặp 2 cán bộ đang công tác tại đơn vị K650. Hỏi han một hồi thì hai hàng nước mắt bà chảy ròng ròng trên gò má khi được biết thiếu úy Trương Quang Giao đang công tác tại đơn vị đóng tại huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Về đến nơi, 2 người đồng đội của ông Giao, người xách hành lí, người chạy như bay vào thông báo tin mừng cho ông Giao. Giây phút mặt chạm mặt, nhìn không chớp mắt, rồi ông ôm chầm lấy bà trong niềm hạnh phúc vỡ òa của hai vợ chồng sau hơn 20 năm xa cách. 

“Ngày gặp lại được ông, tôi khóc nhiều lắm, khóc vì vừa vui mừng vừa trách ông vì sao bấy lâu nay không liên lạc gì để tôi phải nôn nao chờ đợi. Trong vòng tay ấm áp vỗ về của ông lúc đó tôi thấy mình sao yếu đuối đến thế. Hơn 20 năm chờ đợi không tin tức tôi vẫn cứng rắn nhưng khi gặp lại người mình yêu tôi thấy mình thật nhỏ bé và mỏng manh. Tôi ở lại với ông ấy được 1 tháng, rồi sau đó biết được hoàn cảnh của chúng tôi nên cấp trên đã cho ông về Quảng Trị công tác để được gần nhau. Tuy sau này, tôi và ông ấy chỉ sống với nhau được 20 năm thì ông ấy mất nhưng chừng đó thời gian chung sống cùng ông tôi đã hạnh phúc lắm rồi!”, bà Ba nghẹn ngào.