Hành trình về nguồn ý nghĩa của thân nhân liệt sỹ, thương binh tiêu biểu Công an Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ ngày 30-6 đến 2-7, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, đoàn đại biểu CATP Hà Nội gồm 40 đồng chí là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc, đã có hành trình về nguồn, tặng quà gia đình chính sách và đồng đội tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội báo công tại tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc ở khu di tích Lịch sử Nha Công an Trung ương

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội báo công tại tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc ở khu di tích Lịch sử Nha Công an Trung ương

Tiếp bước truyền thống anh hùng

Khởi đầu chuyến hành trình ý nghĩa này, đoàn đại biểu CATP Hà Nội đã về nguồn, dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ và báo công tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Dưới chân tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc thiêng liêng ở Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, Thượng tá Hoàng Trọng Chung - Phó Phòng Tổ chức cán bộ - CATP, Trưởng đoàn bày tỏ, qua 2 cuộc kháng chiến, 400 người con ưu tú của Công an Thủ đô đã ngã xuống, hàng nghìn đồng chí mang thương tích trên người nhưng họ đã đầy nghị lực, vượt khó, là tấm gương sáng trong học tập, chiến đấu...

Kế thừa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, trong những năm qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo các đơn đơn vị thực hiện có hiệu quả các mặt công tác Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, coi đó là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện chế độ chính sách đối với CBCS.

Khắc ghi lời Bác dạy, Công an Thủ đô luôn làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công như: trợ cấp gần chục nghìn lượt CBCS; phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng; trợ cấp, nuôi dưỡng các cháu là con liệt sỹ CATP Hà Nội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; xây dựng, sửa chữa 80 nhà tình nghĩa, nhà xã hội tặng thương binh, thân nhân liệt sỹ...

Giống như những thành viên trong đoàn, Thiếu tá, thương binh Đặng Quang Hùng, Trưởng Công an xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), nhiều lần lặng người đi vì xúc động khi nữ hướng dẫn viên của Ban Quản lý khu di tích kể về những khó khăn vất vả, nhất là sự quên mình, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc của các thế hệ đi trước.

Thiếu tá Hùng chia sẻ: “Đặt chân lên vùng đất lịch sử này, tôi cảm thấy thật tự hào. Trước hy sinh, mất mát của các bác, các anh, các chị - những người đi trước, với bản thân tôi nói riêng và thế hệ chiến sĩ CAND sau này luôn tự nhủ rằng, phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an giao phó. Đặc biệt, khi vinh dự là Công an Thủ đô thì càng phải nỗ lực thật nhiều để phục vụ nhân dân”.

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Những điều còn mãi...

Tiếp đó, đoàn công tác đã có một kỷ niệm khó quên ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang - nơi yên nghỉ của 1.850 Liệt sĩ và một phần mộ Liệt sỹ tập thể. Trong đó có hơn 1.600 Liệt sĩ từ khắp các tỉnh trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc.

1.850 ngọn nến, 1.850 nén hương được thắp lên, thành kính, đặt thằng hàng, chính giữa ở từng phần mộ liệt sỹ. Các cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội đứng nghiêm, chào các thế hệ đi trước mà mắt cay cay trước sự hi sinh anh dũng của các liệt sỹ…như dòng chữ khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh khi hy sinh mà trên tay vẫn ghì chặt báng súng có dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”…

Trong đoàn đại biểu, có không ít cán bộ là thân nhân liệt sỹ cũng đặc biệt xúc động khi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ. Thượng tá Phạm Hồng Thanh (Công an Quận Nam Từ Liêm) xúc động kể lại: Bố tôi khi vừa tròn 20 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của non sông. Ở chiến trường những năm tháng khốc liệt bậc nhất ấy, ông vẫn gửi thư về cho vợ với lời dặn dò như mối dự cảm: “Chiến tranh khốc liệt, anh có thể sẽ không trở về. Em hãy cố nuôi dạy con lên người ”.

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội thực hiện nghi lễ chào cờ ở Cột cờ Lũng Cú

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh có thành tích xuất sắc CATP Hà Nội thực hiện nghi lễ chào cờ ở Cột cờ Lũng Cú

Tại mặt trận đường 9 - Khe Sanh, ông đã hi sinh anh dũng để lại người vợ trẻ và đứa con thơ 3 tuổi là “Thượng tá Phạm Hồng Thanh bây giờ”. Khi cha hi sinh, hình ảnh người mẹ khóc thầm lặng lẽ và sự tần tảo nuôi dạy con đã khắc ghi vào lòng cậu bé Phạm Hồng Thanh. Tiếp bước cha, Phạm Hồng Thanh đã trưởng thành, chiến đấu, phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân. Hiện nay, đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Công an quận Nam Từ Liêm. “Hình ảnh của cha tôi và những lời dặn dò luôn đi cùng với cuộc đời tôi để tôi luôn vững bước”, Thượng tá Phạm Hồng Thanh rưng rưng nói.

Cũng trong đoàn công tác hôm nay, có một người phụ nữ thật đặc biệt. Đó là Thượng sỹ Đỗ Như Quỳnh (Công an quận Đống Đa – vợ liệt sỹ Phạm Quốc Huy hy sinh ở Đồng Tâm khi tuổi đời còn rất trẻ). Đồng chí Quỳnh tâm sự: “Người trẻ như tôi thật vinh dự khi được tham gia hành trình ý nghĩa này. Cảm xúc thật tự hào và chẳng biết gì hơn ngoài việc phấn đấu hết mình để xứng đáng với các liệt sỹ, xứng đáng với bộ quân phục thiêng liêng…”

Đoàn đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sỹ có thành tích xuất sắc của Công an Thủ đô còn có những giây phút đặc biệt khi thực hiện nghi lễ chào cờ ở cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) - cột mốc quốc gia thiêng liêng nơi cực Bắc Tổ quốc. Tiếng hát Quốc ca đồng vọng với gió và mây trời xanh ngát nơi phên dậu Tổ quốc.

Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh CATP Hà Nội thăng tặng quà cụ bà Vừ Thị Máy – mẹ liệt sĩ LyThị Mỷ (hy sinh năm 1981 trong chiến tranh bảo vệ biên giới).
Đoàn đại biểu là thân nhân liệt sĩ, thương binh CATP Hà Nội thăng tặng quà cụ bà Vừ Thị Máy – mẹ liệt sĩ LyThị Mỷ (hy sinh năm 1981 trong chiến tranh bảo vệ biên giới).

Thượng tá Hoàng Trọng Chung, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, ở CATP có 110 thương binh, 70 thân nhân liệt sỹ đang công tác. Trong đó có những đồng chí thương binh còn trẻ nhưng luôn xin ở lại đơn vị chiến đấu…

“Hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn đóng góp không ngừng nghỉ cho sự bình yên của Thủ đô. Đó là những bài ca thầm lặng nhưng rất đáng trân trọng vì sự bình dị…”, Thượng tá Hoàng Trọng Chung nói.

Cũng trong hành trình, đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Thượng uý Lương Đình Định (Công an xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Đồng chí có vợ bị bạo bệnh đã mất năm 2021; mẹ bị ung thư tuyến giáp…

Đặc biệt, đoàn đại biểu cũng đến thôn Cẳng Tẳng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) thăm và tặng quà cụ Vừ Thị Máy – mẹ liệt sĩ Ly Thị Mỷ (hy sinh năm 1981 trong chiến tranh bảo vệ biên giới).

Trong căn nhà tình nghĩa, mẹ Vừ Thị Máy hôm nay vui lắm với nghĩa tình của Công an Thủ đô. Những cái nắm tay thật chặt của những người con mặc cảnh phục làm mẹ cũng rơi nước mắt. “Mẹ phải giữ sức khỏe, sống lâu trăm tuổi để chúng con còn lên thăm nhé”, lời chào của những người con từ Thủ đô làm mẹ thêm ấm lòng trong tháng 7 hào hùng này….