Hành trình đưa Kim Lũ thoát khỏi điểm “nóng” về an ninh trật tự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội từng được đánh giá là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự của thành phố. Nhưng đó là câu chuyện ngày trước. Còn Kim Lũ hôm nay, từ thời điểm có Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã đã từng bước chuyển biến. “Chỉ số bình yên” ở địa phương đã được các cấp lãnh đạo và người dân ghi nhận.

“Làng nghề”… phá khóa

Thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ từng một thời là sự ái ngại của dư luận bởi có nhiều đối tượng hình sự, trộm cắp xe máy thuộc dạng “top” của Sóc Sơn. Thậm chí có người còn thẳng thừng: Dại gì kết giao với người của “làng trộm cắp”. Lời nói bóng gió này nhằm xa lánh những cái xấu xuất phát từ thôn Xuân Dương - những hệ lụy từ một nhóm đối tượng chuyên trộm cắp xe máy ở các nơi rồi mang về làng tiêu thụ. Tai tiếng đến nỗi, một thời gian dài trai gái ở thôn Xuân Dương đến tuổi dựng vợ, gả chồng đều gặp khó khăn vì cái “lý lịch” này. Tiếng xấu còn đồn xa đến nỗi, người lạ vào làng cũng e ngại, thậm chí còn hoang mang không dám tới vì sợ gặp đám trai làng “đầu gấu”.

Công an huyện Sóc Sơn triển khai Công an chính quy đảm nhiệm chức danh CAX tại xã Kim Lũ

Công an huyện Sóc Sơn triển khai Công an chính quy đảm nhiệm chức danh CAX tại xã Kim Lũ

“Mọi sự xuất phát từ một bộ phận thanh niên chơi bời lêu lổng, thường kết bè cánh rủ nhau đi trộm cắp xe máy ở khắp nơi mang về. Nhóm đối tượng này đã làm cho người dân Xuân Dương đi đâu cũng xấu hổ” - ông Dương Thanh Cộng ở xã Kim Lũ nhớ lại. Ông Nguyễn Quý Khang - Bí thư chi bộ thôn Xuân Dương chia sẻ: “Bố mẹ nào cũng muốn con cái mình tử tế, trưởng thành. Tuy nhiên, do một bộ phận thanh niên hư hỏng đã làm cho dân làng mang tiếng. Nhiều đứa học hành bỏ bê khi chưa hết cấp 2, gặp đám bạn cùng cảnh nên đã tụ lại cùng gây ra những vụ phạm pháp”.

Việc trấn áp mạnh tội phạm của lực lượng Công an xã chính quy của xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã ngăn chặn tận gốc mầm phát sinh tội phạm. Cái gốc ở đây là ngoài trấn áp, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã tìm và tạo việc làm cho thanh niên và người phạm tội trở về.

Ông Nguyễn Công Kết - Chủ tịch UBND xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Từ những năm 2009 đến 2013, những đối tượng là người địa phương đi trộm cắp xe máy ở bên ngoài địa bàn. Trộm cắp được chúng mang về xã Kim Lũ để chờ tiêu thụ. Nhiều ổ nhóm tội phạm đã bị cơ quan công an triệt phá và tìm ra đối tượng cầm đầu, có đứa mới 19, 20 tuổi. Đáng lẽ ở độ tuổi đó các đối tượng phải học hành, nhưng vì ham chơi, bồng bột, thiếu suy nghĩ đã hoạt động phạm pháp, biến làng quê thanh bình trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, do tính chất làng quê muốn giấu giếm tội lỗi của con em mình bởi sợ xấu hổ, cùng với sự cát cứ địa phương của nhóm đối tượng gây khó khăn cho công tác điều tra. Đó cũng là lý do khiến hoạt động tiêu thụ xe gian ở xã Kim Lũ như những cơn “sóng ngầm”. Nó tinh vi đến mức chỉ trong đêm, tất cả phương tiện trộm cắp được đã… “bốc hơi”, hoặc không còn hình thù nguyên vẹn.

“Có thời điểm, cứ ở đâu mất xe máy là tang vật được mang về xã Kim Lũ để chờ tiêu thụ. Đối tượng trộm cắp rất liều lĩnh, nhiều xe chúng bẻ được khóa nhưng không nổ được máy và có sẵn đồng bọn sẵn sàng đẩy chiếc xe tang vật từ nơi gây án cách xa cả chục cây số đưa về Kim Lũ tiêu thụ. Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, nhóm thanh niên chơi bời lêu lổng ở đây “truyền nghề” cho nhau và hoạt động kéo dài nhiều năm nên địa phương mới bị gọi là “làng nghề phá khóa”. Tôi sinh ra và lớn lên ở giữa làng nên hiểu rất rõ điều đó” - ông Nguyễn Công Kết, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ cho biết.

Công an xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn trao đổi với người dân, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn

Công an xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn trao đổi với người dân, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn

Cảm hóa những lầm lỗi

Hỏi ông Nguyễn Công Kết về “điểm nóng” an ninh trật tự Kim Lũ hiện nay đã đổi thay như thế nào, ông tự tin bảo: “Bây giờ thì chẳng đối tượng nào dám vi phạm pháp luật nữa. Trước đây, nghiệp vụ của lực lượng Công an xã còn hạn chế nên khó phát hiện và xử lý tội phạm. Nay thì Công an chính quy đã về tận xã, kinh nghiệm dày dạn, nghiệp vụ tinh thông nên chẳng đối tượng nào dám ho he”. Được biết, ngoài sự quyết liệt của lực lượng Công an xã chính quy còn phải kể đến sự tận tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Tất cả đều thể hiện sự thống nhất, kiên quyết xóa danh “làng ăn trộm”.

Theo ông Nguyễn Công Kết, việc trấn áp mạnh tội phạm của lực lượng Công an xã chính quy đã ngăn chặn tận gốc mầm phát sinh tội phạm. Cái gốc ở đây là ngoài trấn áp, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã tìm và tạo việc làm cho thanh niên và người phạm tội trở về. “Chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình có người thân từng vi phạm pháp luật để cùng giáo dục và chính những người này đã tốt lên, tập trung làm ăn. Đó là một trong những biện pháp kéo giảm tội phạm và để người khác nhìn vào tránh bước theo vết xe đổ. Chính vì thế, nhiều đối tượng được giáo dục, cải tạo đã hoàn lương thực sự” - ông Nguyễn Công Kết nói.

Trở về sau gần 3 năm “vấp” vào con đường trộm cắp xe máy, anh N.V.H ở huyện Sóc Sơn năm nay bước sang tuổi 34. Bố mất sớm, H ở với mẹ. Do thiếu sự quan tâm, H bỏ học từ cấp 2 và chơi bời lêu lổng cùng nhóm bạn xấu rủ nhau đi trộm cắp xe máy lấy tiền ăn chơi. “Đi trộm cắp một lần trót lọt sẽ lại đi lần hai, cứ thế tôi trượt dài cùng nhóm đối tượng chuyên phá khóa trộm cắp xe máy. Tôi đã phải trả giá về hành vi của mình. May mà ở trại giam, tôi được các quản giáo rèn giũa, giáo dục và nhận ra chỉ chịu khó lao động thì mới được hưởng khoan hồng, sớm trở về gia đình. Tôi luôn ân hận, muốn làm lại cuộc đời và mong đừng ai phải ân hận như tôi” - anh H bộc bạch. Bây giờ, anh H đã là chủ xưởng mộc có quy mô lớn ở địa phương. Nhiều sản phẩm của anh được khách hàng đón nhận vì chất lượng cao.

Phút bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cậu con trai của anh Nguyễn Quang T ở xã Kim Lũ phải thụ án 6 năm tù tại Trại giam Phú Sơn. Anh T cho biết, thời gian thăm nuôi con trong tù khiến kinh tế gia đình vốn khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Đi thăm con thì phải nghỉ lao động, lại tốn kém tiền nên gia đình đã phải bán cả đất đai chỉ vì muốn con mình làm lại cuộc đời từng lầm lỡ. “Trong nỗi buồn lớn vẫn có niềm vui nhỏ vì khi vào trại cháu ân hận và biết nghĩ nhiều hơn. Mỗi lần lên thăm cháu đều nói với chúng tôi là sẽ cố gắng lao động, rèn luyện để sớm trở về với bố mẹ, làm lại cuộc đời. Bây giờ trở về, cháu hàng ngày chăm chỉ giúp bố mẹ bán hàng ăn, không tụ tập lêu lổng như trước nữa”- anh T tâm sự.