Hành quân xuyên rừng cùng lính đặc nhiệm

ANTĐ - Hà Nội những ngày tháng 6. Nóng như thiêu. Nhận được điện thoại của đồng chí ở Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ): Trung tướng tư lệnh dẫn quân đi xuyên rừng, nhà báo có muốn lên đường? Cơ may này dễ gì có được vì CSCĐ vốn là lính chiến mà. Gạt nắng sang một bên chúng tôi đến Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình.

Thú thật ngoài cái địa danh suối nước nóng tôi chưa biết gì về Kim Bôi, có lên đường mới biết mình đã chủ quan không chuẩn bị kỹ cho chuyến đi và cũng có thế mới biết được sức chịu đựng của lính đặc nhiệm. Đường đi vòng vèo với những cua tay áo. Tôi cũng bắt đầu lảo đảo, thế mà anh lái xe vẫn rổn rảng: Các chị thế này chẳng thể đi hết những nơi CSCĐ đóng quân. Những vách đá dựng đứng và những con đường cứ bám lấy núi mà đi, không một bóng người, thỉnh thoảng mới gặp những mái nhà dân bằng gỗ, cảm giác như chỉ dựng tạm ven đường. Kim Bôi dù sao cũng là địa danh du lịch nhưng đường về Đú Sáng như ngăn cách hẳn với một thế giới bên ngoài. Nếu gặp người  qua lại thì là những cậu bé chăn trâu thản nhiên nằm giữa đường chẳng sợ tai nạn hay bất cứ điều gì có thể xảy đến với mình.

Đường không xa, chỉ hơn chừng 1 giờ đồng hồ từ Hà Nội chúng tôi đã đến Đú Sáng, Kim Bôi, Hòa Bình. Để có một chuyến hành quân dã ngoại cho 3 đại đội nam và 1 trung đội nữ, Tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 đã có đoàn đi tiền trạm và chỗ ăn ở cho anh chị em đã được sắp xếp. Đúng là lính chiến có khác, một địa điểm là nhà văn hóa thôn của xã Đú Sáng, một địa điểm là trường mầm non. Ưu tiên con gái được ở trong nhà, còn con trai hầu hết đều “đêm ngắm sao trời” - căng lều bạt trên đất. Mấy chiến sĩ trẻ còn đùa nhau, tối ngủ, giun thi nhau bò lên massage chân cho mình, hơn hẳn món massage bằng cá ở Hà Nội chứ tưởng à.

Trung tá Lê Anh Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 bảo đã là lần thứ 4 tiểu đoàn tổ chức cho anh em chiến sĩ hành quân dã ngoại vừa là học tập, rèn luyện thể lực, vừa hoạt động tình nguyện giúp dân, nhưng là lần đầu tiên có sự tham gia của trung đội nữ. Tiểu đoàn trưởng cho biết đã là  lính chiến, cần phải quen với hoạt động hành quân như thế này, không những thế qua những lần hành quân còn  tăng thêm tình đoàn kết gắn bó mối quan hệ  giữa lực lượng công an với nhân dân để từ đó người dân thêm hiểu nhiệm vụ của chúng tôi, sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn.

Với mục đích chính là rèn luyện, sau tiếng hô của Trung úy Vũ Đức Lập trung đội trưởng trung đội nữ, cả trung đội đã sẵn sàng cho cuộc hành quân xuyên rừng đầu tiên trong đời và ngày hôm sau mới trở về địa điểm tập kết. Tôi chợt nhớ lại mấy lần thao diễn ở đơn vị, các cô gái nhỏ bé này dù phải dốc đầu lao xuống đất từ nhà cao tầng hay nhẹ nhàng hơn là đu dây xuống cũng không hề nao núng thì lần hành quân này chắc không có gì đáng ngại. Ba lô, tăng võng và gậy tre vót nhọn để làm giá chống vắt, các cô bắt đầu lên đường. Ki lô mét đầu tiên vẫn còn rất hào hứng, nhưng càng đi theo những dấu chân vượt đường mòn, mồ hôi thấm đầy vai áo dù mỗi cô đã cẩn thận phủ thêm một chiếc khăn mặt lên đầu. Địa điểm cuối cùng cũng đến, vừa mưa xong, vắt thoắt ẩn thoắt hiện dưới những đám cỏ và đây là “địa bàn” của chúng nên bọn vắt cũng ngang nhiên “hỏi thăm” các nữ chiến sĩ đặc nhiệm. Thao trường luyện tập vất vả, nắng đến mấy, mưa đến mấy, khó khăn đến mấy, các cô cũng không sợ, nhưng mà vắt thì….  Tiếng thét rồi cả tiếng khóc nữa bắt đầu vang lên. Tưởng rằng kêu sẽ được thủ trưởng “nương” nào ngờ, trong tập luyện, trong nhiệm vụ không có chuyện “nương”.  Mắc võng ngủ giữa rừng - đó là lệnh của thủ trưởng. Quân lệnh như sơn, 10h đêm các cô bắt đầu mắc võng, 30 phút sau, thầy chưa ngủ đã nghe tiếng thở nhịp đều đều, yên ả của các cô. 

Sớm hôm sau, hành quân về địa điểm tập kết, lại thấy những khuôn mặt tươi rói. Với những đồng chí nam, đây đã là lần thứ 3 hành quân dã ngoại, đã quen thuộc với những cung đường ấy vậy mà vẫn có những đồng chí trượt chân. Khoác lên mình bộ quần áo mang màu của đêm quen thuộc, mỗi ngày vượt rừng 13-14km ai cũng mệt nhưng toát lên là sự rắn rỏi của người lính. Có ngày, dù thầy đã tiền trạm trước, nhưng chỉ một lần nhầm lẫn trên bản đồ, những người lính ấy bị… lạc sang vách núi bên cạnh. Không một lời than vãn, họ vẫn lầm lì bước đi, lính chiến là thế mà, sau này còn nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn ấy chứ. 

Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động điểm quân giữa rừng. Ông kể chúng tôi nghe những câu chuyện về lực lượng CSCĐ và để nói tại sao lại có những chương trình hành quân như thế này. Lính CSCĐ không khác gì bộ đội, trong khi các lực lượng khác của ngành công an có thể sẵn sàng công khai đấu tranh thì nhiệm vụ của CSCĐ là vượt rừng mà đi, cắt đường mà đến, không đi theo những con đường mòn đã từng đi qua, xác định bằng phương vị, cắt góc bản đồ không để lại dấu vết. Chính vì thế trong những vụ việc xảy ra, tại các điểm nóng về an ninh trật tự ngoài lực lượng công khai thì tại các điểm chốt chặn đều có quân của CSCĐ. Đồng chí Tư lệnh chia sẻ: Nhìn các đồng chí hành quân hôm nay, chúng tôi nhớ lại thời trẻ của mình, vượt rừng đi chiến đấu, giải phóng miền Nam, mong các chiến sỹ hôm nay, bằng sức lực tuổi trẻ, vượt lên những khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những lời nói thân tình khiến mỗi người chiến sỹ cảm thấy người thủ trưởng của mình thật gần gũi, và như được sự động viên chân thành nhất.  

Ông nói với cánh nhà báo chúng tôi, quân của CSCĐ toàn đóng ở những nơi xa, nhất là khi xuất hiện điểm nóng thì càng cắm chốt sâu. Nhưng dù anh em có đi đến nơi nào, dù bận thế nào tôi cũng có mặt thăm anh em, đó là tình đồng đội thiêng liêng. Những lần đi như thế, có lần tôi còn chứng kiến đồng đội tôi bị bỏ quên giữa rừng. Đó là năm xảy ra điểm nóng ở Tây Nguyên, lực lượng an ninh nhân dân đề nghị cảnh sát cơ động đặc nhiệm hỗ trợ và cắm chốt ở gần khu vực có lực lượng an ninh. Lên đường nhận nhiệm vụ, địa điểm cắm chốt là một ngôi làng có đồng bào sinh sống. Mọi việc bình yên qua đi, không có tên địch nào xâm phạm đến ngôi làng cả. Khi tất cả yên ổn, lực lượng an ninh rút đi nhưng… quên không thông báo cho CSCĐ. Khi đồng chí Tư lệnh đến thăm, trong lán trại có vài chiến sỹ đang chơi cùng các cháu nhỏ ở bản, khi ấy nhiệm vụ của lực lượng đã kết thúc được… 2 tháng nhưng CSCĐ vẫn không hề hay biết. May mắn được gần dân nếu không họ khi ấy đã gần cạn lương thực. Thế mới biết người lính chiến là thế, dù tình hình đã yên ổn nhưng không có ai thông báo họ vẫn không rời mặt trận.

Xen kẽ với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ là những hoạt động xã hội của người lính trẻ với đồng bào nơi đóng quân. Từ ánh mắt ngơ ngác, lạ lẫm ban đầu, những việc làm đơn giản như đào mương thoát nước từ trên đồi xuống ruộng, làm đường cho bà con tiện đi lại hay đơn giản hơn là cắt tóc cho cho trẻ con  đã thêm nhiều thiện cảm của bà con với lực lượng CSCĐ. Lũ trẻ dường như đã quen thân hơn với những cuộc hành quân vượt rừng, chúng đi theo chiến sỹ, cãi nhau chí chóe nhưng mấy nữ chiến sỹ bảo tôi: Chúng nó vậy thôi mà tình cảm lắm, khi chúng em cho nó dù chỉ là cái kẹo, chúng cũng chờ bạn đến đông đủ mới chia nhau. Trung tướng Nguyễn Văn Vượng thì cười bảo: Đây sẽ là những chiến sỹ CSCĐ sau này vì chúng vượt rừng có khi còn khỏe hơn chiến sĩ ta. 

Rời Đú Sáng, mỗi người một cảm giác, chúng tôi, những người làm báo thêm một địa danh mới, thêm một lần được xuyên rừng cùng đặc nhiệm dù chúng tôi chưa đủ sức để theo hết cuộc hành quân và quan trọng hơn, thêm một lần nữa hiểu thêm về nỗi vất vả của người lính CSCĐ - những người mặc sắc phục màu của đêm.