Hạnh phúc mới của thiếu nữ bị lừa bán và ép lấy chồng có HIV

ANTĐ - 16 tuổi, bị lừa bán sang Trung Quốc, dể phục dịch trong các nhà thổ. Trốn thoát khỏi vùng bùn nhơ, chị quyết tâm đứng dậy bằng việc thi đỗ vào đại học.

Chị đã có một tuổi thơ đẫm nước mắt và ngày dài tuổi xuân trong đớn đau, tủi phận. 16 tuổi, bị lừa bán sang Trung Quốc, dể phục dịch trong các nhà thổ. Trốn thoát khỏi vùng bùn nhơ, chị quyết tâm đứng dậy bằng việc thi đỗ vào đại học. Nỗi cay đắng chưa thôi đeo bám, khi bị gả ép lấy chồng, anh chồng lại nghiệp ngập ma túy, nhiễm HIV rồi truyền căn bệnh quái ác này cho chị. Hạnh phúc chỉ thực sự mỉm cười khi gặp anh, một người hoàn toàn khỏe mạnh mang lại cho chị tình yêu thực sự. Cuộc sống mới đã bắt đầu khi một mầm sống đang hình thành...

Chị là Tạ Thị Phương, năm nay 28 tuổi. Chuyện đời của chị, nghe qua mà cứ ngỡ là một câu chuyện nào đó trong một tác phẩm văn học nghệ thuật đã được tác giả hư cấu. Giông bão đời người giáng xuống khi chị vừa bước vào độ tuổi trăng tròn, và phải rất cố gắng, chị mới đứng dậy được sau vấp ngã. Trải lòng với tôi trong căn phòng trọ nho nhỏ nhưng ấm cúng giữa thành Vinh xô bồ, đôi mắt chị đã biết hát bản tình ca hạnh phúc. Yêu thương thực sự, hạnh phúc vợ chồng đã đến với chị như một sự bù đắp của số phận sau bao giông tố đắng cay của số phận.

Bị lừa bán, ép lấy chồng nghiện vẫn tốt nghiệp đại học

Bất hạnh cuộc đời đến với Tạ Thị Phương khi mới 5 tuổi, bố bỏ nhà ra đi chỉ vì túng quẫn, đông con và cả vì người đàn bà khác. Lúc ấy, mẹ Phương đang mang thai đứa em thứ tư được 2 tháng tuổi. Bụng mang dạ chửa, mẹ một mình vừa chống chọi với nỗi đau lại âm thầm lặng lẽ nuôi mấy chị em ăn học. Là chị cả trong gia đình, lớn lên một chút Phương đã phải đi làm thuê kiếm sống để nuôi mẹ, nuôi em. Ai thuê gì chị cũng làm, miễn rằng mẹ và em đỡ khổ. Những tất bật của lo toan ấy đã không làm cho cô bé tàn lụi mà ngược lại, càng lớn, Phương càng phổng phao, xinh đẹp.

Nhưng chính cô bé cũng không nghĩ được rằng, sắc đẹp ấy của em đã trở thành mầm họa. Tai ương ập đến với Phương khi mới vừa độ tuổi trăng tròn. Nghĩ về chuyện buồn quá khứ, Tạ Thị Phương gạt nước mắt, bùi ngùi: “Đó là vào năm em 16 tuổi, trong một lần đến nhà một người hàng xóm chơi, em bị bỏ thuốc mê ngủ li bì. Ba ngày sau tỉnh dậy, hoa mắt khi nhìn đâu đâu cũng chữ Trung Quốc dán trên tường. Lúc này, em mới thực sự hoảng sợ và đau đớn khi biết rằng, bản thân đã bị lừa bán sang Trung Quốc”. Lúc ấy, người duy nhất chị nghĩ đến là mẹ, và đó cũng chính là động lực chính thôi thúc chị phải sống, phải về được với mẹ. Cho đến bây giờ, Tạ Thị Phương vẫn không lý giải được vì sao chỉ mới từng ấy tuổi đầu, chưa một lần bước ra khỏi “ao làng” lại có thể nghĩ được cách đào tẩu liều lĩnh như vậy.

Đêm hôm đó, để thoát khỏi nơi bị giam lỏng, thừa lúc mọi người đã ngủ say, chị vơ tất cả quần áo có trong phòng, buộc lại với nhau thành một chuỗi dây dài rồi liều mình đu từ tầng 2 xuống và cắm đầu cắm cổ chạy mải miết vào màn đêm. Đến rạng sáng, chị mệt lả nằm ngất bên vệ đường của một cánh rừng vắng, may mắn thay vì bọn buôn người chưa kịp đưa chị vào sâu trong nội địa mà chỉ mới dừng chân nghỉ lại qua đêm tại một quán trọ gần biên giới nên chị đã lần về đến sát biên giới. Sau đấy, nhờ gặp được một người bản địa tốt bụng đã đưa Phương đến đồn biên phòng và chị đã được giải cứu trước khi trở thành gái bán dâm nơi đất khách.

Trở về, Phương đi học lại với quyết tâm, sẽ đậu đại học để thay đổi số phận. Để rồi, khi cánh cổng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chào đón, chị đã tin rằng, số phận cũng chưa hẳn đã quá ác bạc hay khắt khe với mình, và cuộc sống của chị đã bước sang một trang mới. 4 năm đại học trôi vèo như giấc ngủ trưa, mà cơn mơ dai dẳng là những bận đầu tắt mặt tối và hàng tá công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Năm 2005, Phương tốt nghiệp đại học. Về quê, chưa kịp xin được việc làm thì Phương đã bị hối thúc lấy chồng. Không tình yêu, chị đã phản đối kịch liệt nhưng vô vọng khi mẹ tuyên bố, sẽ chết nếu không chịu nghe lời. Cực chẳng đã, chị miễn cưỡng nghe theo lời mẹ để tròn đạo hiếu làm con, chấp nhận lấy chồng, một người mà chị không hề yêu thương.

Chồng chị là một người đàn ông đã bỏ vợ, một mình nuôi cô con gái. Anh là một người nổi tiếng giàu có với những mối quan hệ rộng rãi. Không có tình yêu, chị như một cỗ máy vận hành theo một trình tự đã được mặc định. Nhưng đau xót thay, tai ương lại giáng xuống đầu chị, và lần này khiến chị chết cả đời người, về làm vợ được gần 1 tháng chị mới biết chồng mình thường xuyên tiêm chích hêrôin và đau đớn khi phát hiện ra anh đã mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV.

Quyết định ly hôn được đưa ra đúng một tháng sau ngày cưới, chị chạy trốn người chồng không hôn thú nhưng không chạy thoát khỏi căn bệnh quái ác mà anh ta đã kịp gieo rắc cho chị. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với virut HIV, Phương chết lặng. Nước mắt đầm đìa, chị lao chạy trong vô thức. Buông xuôi, chán nản đã bao lần Tạ Thị Phương uống thuốc ngủ tự tử nhưng đều không thành. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi năm 2006, vì biết mình đã gây họa cho con, mẹ chị đã chán nản, buông xuôi và nghe theo mấy bà buôn ngoài chợ rủ rê, lao vào buôn hàng quốc cấm, bị bắt rồi rơi vào vòng tù tội. Không còn những dòng nước mắt để khóc, chị trơ lì như một pho tượng.

Hạnh phúc lấp lánh

Nén nỗi đau, bản năng sống trỗi dậy trong chị. Lúc này đây, Phương phải sống để lo cho 3 em ăn học, để mẹ yên tâm cải tạo, sớm trở về với các con. Đóng cửa nhà ở quê, chị khăn gói xuống thành phố Vinh vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau bệnh tật cũng như nỗi nhức nhối về tinh thần hành hạ mỗi đêm. Ban ngày, Phương đi làm phiên dịch tiếng Trung Quốc cho một công ty Xuất khẩu gỗ, ban đêm chị đi gia sư, nhân viên bán cà phê, tham gia vào các hoạt động xã hội, gia nhập vào Câu lạc bộ Sông Lam Xanh của những người có HIV trên địa bàn thành phố và trở thành đồng đẳng viên của dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2009, niềm vui đến với chị khi mẹ đã mãn hạn tù. Với số tiền nho nhỏ dành dụm được, chị mở một cửa hàng tại quê nhà cho mẹ buôn bán. Cuộc sống của Phương cứ thế bình lặng trôi đi, chị luôn tâm niệm là phải tìm vui trong công việc để quên đi thực tế phũ phàng của bản thân. “Chưa bao giờ em dám mơ đến hạnh phúc cho riêng mình. Những chát đắng số phận đeo mang đã khiến cho tâm hồn em chai sạn. Quan trọng hơn, với một người con gái đã lỡ một lần đò, lại mang trong mình án tử lơ lửng, chẳng còn đủ niềm tin để mà khao khát, dù rằng chỉ là ước vọng thầm trong cơn mơ muộn”, chị tâm sự.

Nhưng rồi, luôn có những món quà bất ngờ nhất từ cuộc sống, và món quà mà Tạ Thị Phương nhận được, ấy là tình yêu. Anh xuất hiện và bước vào cuộc đời chị nhanh và dồn dập đến độ, chị không kịp chống dỡ. Cơn bão tình tràn qua, nó cuốn phăng mọi định kiến, dị nghị, rào cản để xây nên một lâu đài hanh phúc. Anh đến yêu thương chị, sưởi ấm trái tim đã bấy lâu nguôi lạnh trong chị, Anh là Hoàng Văn Tuân, một chàng trai không bị nhiễm H, đẹp trai, hiền lành và có nhà cao cửa rộng ở trung tâm thành phố. Nói về Tuân, Phương tươi cười cho biết, hai người quen nhau vào năm 2007 nhưng phải đến năm 2011, Phương mới cam đảm chấp nhận tình cảm của anh.

Họ tình cờ quen nhau trong một quán nước do một người bạn giới thiệu. Anh biết Phương bị bệnh nan y nhưng vẫn âm thầm quan tâm, chia sẻ. Đã nhiều lần Phương chạy trốn tình cảm ấy nhưng rồi anh nhẫn nại với mối tình lệch nhịp đầy kiên định. “Anh sẽ yêu thương và che chở cho em”, lời anh nói thật ấm lòng. Không ồn ào mà âm thầm lặng lẽ, mỗi lần đi làm, Tuân lại tình nguyện chở Phương đi. Có những hôm bất chợt cơn đau dữ dội, bất luận mưa hay nắng gió, đêm đông buốt giá hay ngày hè nóng như chảo lửa, Tuân luôn sốt sắng đưa Phương đến bệnh viện để chữa trị trong nỗi lo lắng tột độ.

Chính tình cảm chân thành ấy đã lay động trái tim Phương, chị thấy lòng mình ấm lại sau bao giông tố phận người. Cũng trong thời gian ấy, có rất nhiều người tìm đến với Phương để tìm hiểu nhưng họ đến rồi lặng lẽ bỏ đi khi biết chị mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Tuân khác với những chàng trai đã đến với Phương, anh nhẫn nhịn và bản lĩnh vượt qua dư luận, rào cản của xã hội, và trên hết bằng tình yêu thương chân thành, anh đã giúp Phương tìm thấy được niềm tin để đón nhận tình yêu trong niềm hạnh phúc.

Cuối năm 2011, Hoàng Văn Tuân và Tạ Thị Phương quyết định về chung sống cùng một mái nhà. Đám cưới nho nhỏ, không rình rang nhưng ấm cúng, khách mời là những người bạn trong nhóm đồng đẳng, họ đến để chúc phúc và cầu mong mình cũng sẽ có được cái kết ngọt ngào như thế. Niềm vui như được nhân đôi khi Phương bẽn lẽn khoe với tôi, chị đã mang thai đến tháng thứ hai. Khao khát được làm cha, làm mẹ và khát vọng về một đứa trẻ đã thôi thúc anh chị đến các bệnh viện, trung tâm phòng chống HIV để tư vấn cách có thể sinh con.

Dẫu biết rằng, mức độ rủi ro là rất cao nhưng anh chị vẫn cầu mong, thêm một lần nữa điều kỳ diệu sẽ không từ chối gia đình nhỏ của hai người. Chia tay anh Tuân, chị Phương, người viết bài này chỉ muốn chúc phúc cho anh chị, hai con ngươi, hai hoàn cảnh nhưng đã làm nên một câu chuyện hạnh phúc gia đình ấm áp, ngọt ngào giữa xô bồ của cuộc sống. Và mai kia, khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, mong rằng tạo hóa sẽ ban cho anh chị món quà kỳ diệu nhất, để tổ ấm ấy không chênh chao thêm giữa lốc tố cuộc đời.