Hành khách đi tàu Cát Linh- Hà Đông được bảo hiểm theo quy định, giá vé linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều lần lỡ hẹn, đúng 7h sáng 6/11 tới đây, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, ngay sau đó tổ chức vận hành thương mại.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 4/11, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND Hà Nội và đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” về về việc chuẩn bị khai thác thương mại dự án này.

Giai đoạn đầu vận hành linh hoạt tùy theo lượng khách

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro) Hà Nội thông tin, thực hiện khuyến cáo của đơn vị tư vấn Pháp ACT, phía công ty đã bổ sung 82 nhân sự, trong đó 44 nhân viên an toàn ke ga và 38 nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

Ngoài ra, cũng theo khuyến cáo của ACT, Metro Hà Nội đã diễn tập với 63 tình huống có thể xảy ra trong quá trình khai thác, thay vì 10 tình huống như trước kia.

Dự kiến giai đoạn một năm đầu đưa vào khai thác sẽ chia làm 2 kỳ, 6 tháng đầu sau khi tiếp nhận và 6 tháng tiếp theo.

Lãnh đao Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội trả lời nhiều vấn đề "nóng" trước giờ tàu Cát Linh- Hà Đông lăn bánh

Lãnh đao Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội trả lời nhiều vấn đề "nóng" trước giờ tàu Cát Linh- Hà Đông lăn bánh

Trong 6 tháng đầu, sẽ vận hành làm sao vừa phù hợp với thông lệ chung vừa phù hợp với mức độ sử dụng dịch vụ của người dân; điều hành linh hoạt căn cứ vào thực tiễn.

Giai đoạn này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, giờ mở tuyến 5h30, đóng tuyến vào 22h, tuần đầu dự kiến vận hành đều đặn 15 phút/chuyến, tuần trở đi là 10 phút/chuyến.

Giai đoạn 6 tháng sau, sẽ vận hành 9 đoàn tàu, giờ mở tuyến là 5h30 và kết thúc lúc 22h30, tuần suất thời điểm bình thường là 10 phút/chuyến, giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Giá vé của tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông được TP Hà Nội xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải khách công cộng, có trợ giá, có bảo hiểm, đặc biệt đối tượng được ưu tiên miễn phí xe buýt sẽ được ưu tiên sử dụng tuyến đường sắt đô thị này.

Tàu Cát Linh- Hà Đông sẽ vận hành giai đoạn đầu tần suất 15 phút/chuyến

Tàu Cát Linh- Hà Đông sẽ vận hành giai đoạn đầu tần suất 15 phút/chuyến

“Tuyến đường sắt này áp dụng giá vé linh hoạt, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu mà không phải thanh toán cả chặng như xe buýt; vé tháng là 30 ngày tính từ ngày kích hoạt chứ không phải tính từ ngày mua vé”- ông Trường thông tin.

Trả lời về việc hành khách sẽ được bảo hiểm ra sao khi sử dụng dịch vụ tuyến đường sắt đô thị này trong trường hợp không may xảy ra sự cố, ông Trường cho hay, tất cả các loại hình vận tải khách công cộng đều đã có bảo hiểm trong giá vé. Kể từ ngày 6/11 tới đây, khi hành khách đầu tiên đặt chân lên tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông thì hợp đồng bảo hiểm của dự án sẽ chính thức được kích hoạt.

Bổ sung thêm thông tin về việc đảm bảo an toàn, an ninh trật tự dọc tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông được ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, TP Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cả tuyến, bao gồm đầy đủ các lực lượng như CATP, chính quyền các quận, huyện có đường sắt đi qua, lực lượng thanh tra GTVT…

Dự án chậm trễ là bài học lớn

Việc dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông triển khai xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng khi nghiệm thu lại là đơn vị tư vấn ACT của Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải, thời điểm ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC để triển khai dự án thì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về thiết kế, đặc biệt là liên quan đến các thiết bị. Bởi vậy, tại thời điểm đó (năm 2013), tiêu chuẩn nào mà Việt Nam không có thì sử dụng tiêu chuẩn Trung Quốc.

“Tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa trên hệ tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng tùy thuộc điều kiện mỗi quốc gia có tiêu chí áp dụng khác nhau. Ngay cả tiêu chuẩn của Trung Quốc tại thời điểm ký kết hợp đồng cũng chưa đầy đủ, chưa có tiêu chuẩn về khai thác, họ cũng vừa làm vừa xây dựng nên không đồng bộ ngay từ đầu. Còn tư vấn Pháp ACT đánh giá an toàn theo phương pháp đánh giá của châu Âu chứ không phải dùng tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá an toàn dự án Cát Linh- Hà Đông. Tuy vậy, đây cũng là bài học cho Bộ GTVT, các đô thị lớn trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị sau này”- ông Đông cho biết.

Còn về việc chậm tiến độ dự án Cát Linh- Hà Đông, Thứ trưởng Đông thông tin, theo tiến độ ban đầu, dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2017, nhưng đã bị chậm. Theo tính toán ban đầu, mặt bằng của dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015 và hoàn thành xây dựng trong năm 2017 nhưng không được như kỳ vọng.

“Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, dự án thí điểm, tức là “vừa làm vừa dòm”. Về trách nhiệm để dự án chậm trễ thì Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, trách nhiệm chung là của chủ đầu tư, trong đó cũng có nêu rõ chậm tại khâu nào, xét xét trách nhiệm đến đâu…”- ông Đông thông tin.