Hành động mạnh mẽ vì an ninh, ổn định ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế đang có những động thái đáp trả mạnh mẽ nhằm răn đe những hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông với những toan tính nguy hiểm, đe dọa chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan cũng như an ninh và ổn định tại vùng biển chiến lược trọng yếu này.
Biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lần thứ ba kể từ đầu năm tiến vào Biển Đông

Biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lần thứ ba kể từ đầu năm tiến vào Biển Đông

Lần thứ ba tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông

Theo thông tin mới nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã vượt eo biển Malacca tiến vào Biển Đông. Hộ tống hàng không mẫu hạm này còn có tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Russell.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông sau khi tham gia cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương từ ngày 28 đến 29-3. Cuộc tập trận này được cho là hoạt động chung của hải quân Mỹ và Ấn Độ trong việc phối hợp ứng phó với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện diện ở Biển Đông nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận, các quốc gia trong khu vực, bởi đây là nhóm tàu chiến có năng lực tác chiến mạnh bậc nhất hiện nay của hải quân Mỹ. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là siêu tàu sân bay thế hệ thứ 4 thuộc lớp Nimitz và được đặt theo tên Theodore Roosevelt, vị Tổng thống thứ 26 của Mỹ.

Tàu USS Theodore Roosevelt chạy bằng năng lượng hạt nhân, có chiều dài 333m, rộng 77m và lượng giãn nước đầy tải tới 106.000 tấn, là một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể chở theo tối đa 130 máy bay tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet hoặc 85-90 máy bay đủ các chủng loại khác nhau như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C/D Hawkeye, máy bay trực thăng MH-60S/R làm nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ, săn ngầm, trinh sát và tìm kiếm cứu hộ…

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện là kỳ hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 (CSG-9), được hộ tống bởi tàu tuần dương USS Bunker Hill và 6 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Với thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được ví như một “thành phố nổi” trên đại dương.

Với năng lực tác chiến mạnh như vậy, việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông đã được cả khu vực quan tâm dõi theo, hơn nữa đây là lần thứ ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm này hiện diện tại vùng biển chiến lược từ đầu năm tới nay. Vào cuối tháng 1 năm nay, nhóm tác chiến tàu sân bay đã vào Biển Đông với sứ mệnh “thúc đẩy quyền tự do trên biển”.

Đầu tháng 2-2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng biên đội tác chiến tàu sân bay USS Nimitz lại tiếp tục tiến hành cuộc tập trận với nhiệm vụ để “khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông. Những cuộc diễn tập, tập trận liên tiếp của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tại Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Joe Biden được xem là mang thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền mới của Mỹ tới vùng biển mà Washington tuyên bố “có lợi ích sống còn”.

Đáp trả sự hung hăng, gây hấn ở Biển Đông

Biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông lần thứ ba kể từ đầu năm diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price mới đây bày tỏ quan ngại về tình trạng hàng trăm tàu được cho là thuộc lực lượng dân binh biển của Trung Quốc hiện diện trái phép ở khu vực bãi đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn Đông trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới phân tích cho rằng, sự hiện diện bất thường của đội tàu dân binh biển của Trung Quốc ở bãi đá Ba Đầu là hành động hung hăng, gây hấn trong toan tính thực hiện chiến thuật “vùng xám”, chiến thuật mà Trung Quốc đã dùng để cưỡng chiếm nhiều bãi cạn, thực thể ở Biển Đông thời gian qua.

Nhận định đó dựa trên những gì đúc rút từ hàng loạt vụ gây hấn, cưỡng chiếm mà Trung Quốc đã tiến hành sau khi có chiến thuật “vùng xám”. Trong đó, Trung Quốc vào năm 2012 đã dùng chiến thuật “vùng xám”, huy động một lực lượng lớn tàu để đe dọa rồi cưỡng chiếm bãi cạn Scaborough trước đó thuộc quyền kiểm soát của Philippines.

Đáng chú ý, khi hàng trăm tàu dân binh biển tập trung ở khu vực bãi đá Ba Đầu thì Trung Quốc cũng triển khai một lực lượng tàu hải quân mạnh tới quanh vùng biển các thực thể mà Trung Quốc cưỡng chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tờ Daily Inquirer của Philippine ngày 1-4 dẫn một báo cáo từ chính phủ nước này cho biết, lực lượng chức năng Philippines đã phát hiện 3 tàu tên lửa tấn công thuộc Type 022, cùng một tàu tiếp tế neo đậu bên trong đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Cảnh giác trước toan tính một lần nữa dùng chiến thuật “vùng xám”, Philippines đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân binh biển tập trung bất thường ở bãi đá Ba Đầu, đồng thời có những hành động cứng rắn để đáp trả. Philippines đã điều tàu chiến cùng máy bay chiến đấu tới trong động thái được cho là để thể hiện sự cứng rắn, răn đe sớm với toan tính của Trung Quốc.

Khác những lần trước, Mỹ cũng lập tức có những tuyên bố cứng rắn trước việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu dân binh biển tới bãi đá Ba Đầu. Trong tuyên bố thể hiện sự ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Washington sẽ “sát cánh với đồng minh Philippines khi đối diện lực lượng dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Và không chỉ dừng lại ở tuyên bố, việc điều biên đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Biển Đông trong bối cảnh hiện nay được xem là sự răn đe của Mỹ đối với những hành động mà Washington nhiều lần công khai chỉ trích là “hung hăng gây hấn” và “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên trang web của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến CSG-9 tuyên bố: “Nhiệm vụ trở lại Biển Đông lần này nhằm trấn an các đồng minh và đối tác, rằng chúng tôi vẫn duy trì cam kết với tự do hàng hải trên các vùng biển”.

Giới chức quân sự Mỹ nhấn mạnh, sự hiện diện của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông lúc này cũng là nhằm “thể hiện cam kết với trật tự thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Mỹ muốn qua động thái răn đe mọi hành vi hung hăng, gây hấn ở Biển Đông bằng hành động mạnh mẽ, đồng thời cũng là sự bày tỏ “mong muốn được tiếp tục hợp tác với những bên ủng hộ tầm nhìn chung về an ninh, ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới”.