Hành động mạnh mẽ đáp trả tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ - quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và tuyên bố có lợi ích chiến lược sống còn ở đại dương rộng lớn nhất thế giới, đang có những hành động mạnh mẽ trên thực tế nhằm đáp trả tham vọng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, một vùng biển trọng yếu thuộc Thái Bình Dương.

Đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không

Nhiều hãng truyền thông quốc tế cùng đưa tin, Hải quân Mỹ thời gian qua tiếp tục gia tăng các hoạt động trong khuôn khổ Chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Theo đó, chỉ một ngày sau khi triển khai máy bay do thám hiện đại P-8A Poseidon bay qua eo biển Đài Loan, Hải quân Mỹ ngày 25-6 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold đến vùng biển chiến lược quan trọng này.

Chiến dịch FONOP được Mỹ triển khai ở Biển Đông từ nhiều năm nay nhằm bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bằng những hành động trên thực tế. Các tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần đi sát vào các đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold được điều tới Biển Đông

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold được điều tới Biển Đông

Tàu khu trục USS Benfold là chiến hạm mà Mỹ thường xuyên triển khai trong Chiến dịch FONOP ở Biển Đông những năm qua, trong khi trước đó khu trục hạm thuộc Hạm đội 7 này của Mỹ vào tháng 1 năm nay đã tiến hành hoạt động “đảm bảo tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế” trong vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Hồi tháng 7-2021, Hạm đội 7 thông báo tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện “chuyến di chuyển bình thường qua eo biển Đài Loan” nhằm “thể hiện cam kết” với khu vực.

Những chuyến tuần tra ở Biển Đông của tàu chiến và máy bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn ráo riết tiến hành quân sự hóa nhằm dùng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở vùng biển này theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa”. Trong đó, các cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông được xem như là hành động “bá quyền hàng hải”, gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông.

Mới đây nhất, Trung Quốc vào ngày 19-6 vừa qua đã tổ chức tập trận quân sự tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dư âm cuộc tập trận này chưa lắng, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 25-6 lại dẫn thông báo từ Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) cho biết, quân đội Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên một phần Biển Đông từ ngày 27đến 30-6 tới.

Những cuộc tập trận thời gian qua đã liên tục được Trung Quốc tổ chức ở vùng biển có tuyến đường vận tải biển huyết mạch toàn cầu, đồng thời là không gian sinh tồn của nhiều quốc gia trong khu vực. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức của MSA, nước này đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 35 cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông. Đáng chú ý, trong đó có 8 cuộc tập trận, diễn tập ở Vịnh Bắc bộ. Trước đó, trong năm 2021, cũng theo thông tin từ MSA, nước này cũng đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông. Trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận, diễn tập ở Vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc cho không chỉ các quốc gia trong khu vực bởi chúng khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, tiềm ẩn những đe dọa nguy hiểm với tự do hàng hải và hàng không. Đó còn được xem là sự phô trương sức mạnh quân sự, đe dọa trên vùng biển mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi pháp.

Hành động mạnh mẽ để duy trì hòa bình và ổn định

Việc Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận, diễn tập, thậm chí nhiều cuộc bắn đạn thật với sự tham gia của các vũ khí hiện đại nhất ở Biển Đông được giới phân tích cho rằng là để gia tăng hoạt động quân sự hóa, dùng sức mạnh hòng áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp tại vùng biển này, đồng thời còn nhằm răn đe các quốc gia khác, kể cả cường quốc hàng đầu như Mỹ. Trong khi Mỹ đang phải trải lực lượng ra để bảo vệ lợi ích trên toàn cầu, Trung Quốc rõ ràng có sức mạnh quân sự vượt trội hoàn toàn so với các quốc gia ở khu vực quanh Biển Đông.

Những cuộc tập trận hải quân mang thông điệp sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn thể hiện chiến lược quân sự hóa xuyên suốt của quốc gia này ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý, đặc biệt là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và không được quốc tế công nhận những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc nhiều năm qua đã công khai theo đuổi chiến lược dùng sức mạnh quân sự để đơn phương áp đặt chủ quyền hòng “độc chiếm” vùng biển này.

Viễn cảnh Trung Quốc dùng sức mạnh kiểm soát vùng biển địa chính trị quan trọng, có tuyến vận tải biển huyết mạnh của nền kinh tế toàn cầu như Biển Đông là điều mà cộng đồng quốc tế không thể không lo ngại sâu sắc, đặc biệt là những cường quốc khu vực và thế giới. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế không chỉ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà ngày càng có thêm những hành động mạnh mẽ để thể hiện điều này, khẳng định sự tự do hàng hải và hàng không.

Nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trong một tuyên bố đưa ra cuối tháng 5 vừa qua ở Tokyo đã một lần nữa khẳng định cam kết đối với một “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có khả năng phục hồi”. Tuyên bố chung nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nguyên tắc của tự do, thượng tôn pháp luật, các giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng tới vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự do hàng hải và hàng không. Các nước thuộc nhóm Bộ Tứ cũng tái khẳng định quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nơi không có mọi hình thức cưỡng ép chính trị, kinh tế và quân sự.

Nhóm Bộ Tứ tuyên bố ủng hộ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được thể hiện trong UNCLOS 1982 và duy trì tự do hàng hải và hàng không, nhằm ứng phó với các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bao gồm ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Phản đối mạnh mẽ mọi hành động cưỡng ép, khiêu khích hoặc đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực, như việc quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, việc sử dụng nguy hiểm tàu hải cảnh và dân quân trên biển, cũng như các nỗ lực nhằm làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác.

Nhóm Bộ Tư khẳng định, quyết tâm mạnh mẽ nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định, trung tâm của trật tự quốc tế là luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Các cường quốc cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực; tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và việc triển khai thực chất Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.