Hành động để đưa phát thải ròng về “0”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đã bắt tay vào hành động để thực hiện những cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050.
Những nhà máy điện gió như nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận ngày càng nhiều ở Việt Nam là hành động của nước ta để thực hiện đưa khí phát thải về 0 vào năm 2050

Những nhà máy điện gió như nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận ngày càng nhiều ở Việt Nam là hành động của nước ta để thực hiện đưa khí phát thải về 0 vào năm 2050

Vì một tương lai tốt đẹp hơn cho môi trường sống

Vào năm 1990, các nhà khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng, nhiệt độ bề mặt Trái đất trung bình sẽ tăng lên từ 0,3-0,6 độ C trong vòng 100 năm tới. Tuy nhiên, Báo cáo thứ VI của IPCC (IPCC-AR6) công bố năm 2021 cho thấy, khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người khiến Trái đất nóng lên 1,1 độ C kể từ giai đoạn 1850-1900. Mỗi thập kỷ trong 40 năm vừa qua đều lần lượt nóng hơn các thập kỷ trước kể từ năm 1950. So với năm 1901, mực nước biển trung bình đã tăng 20cm vào năm 2018. Mức tăng trung bình mực nước biển khoảng 3,7mm mỗi năm (từ 2006-2018).

Báo cáo Biến đổi khí hậu 2022 của IPCC một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không được kiểm soát ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, loài người và môi trường tự nhiên có nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động không thể đảo ngược. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm.

Trong tháng 5-2022, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021. Theo đó, các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước. Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (Khai thác tài nguyên - Sản xuất - Tiêu dùng và cuối cùng Thải loại ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại. Đến năm 2030, nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Nếu hành động chậm trễ, thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Hội nghị COP26 diễn ra trung tuần tháng 11-2021 với những cam kết quan trọng như giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và giảm thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 đã mang lại hy vọng lớn cho nhân loại về một tương lai tốt đẹp hơn cho môi trường sống.

Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước ta cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Nhà nước ta khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch. Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.

Tất nhiên, với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh nước ta còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ sớm được thúc đẩy tại Việt Nam.

Để sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, Việt Nam sẽ cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện… theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.

Các cam kết mạnh mẽ và nhất là những hành động của Việt Nam nhằm thực hiện các cam kết tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.