NSƯT, Đạo diễn Vương Đức - Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam

Hành động còn hơn là chết

ANTĐ - Ngôi nhà số 4 Thụy Khuê - Hãng Phim truyện Việt Nam - tiền thân của Xưởng phim Hà Nội - cái nôi của điện ảnh Việt Nam - từ nơi đây rất nhiều bộ phim nổi tiếng đã ra đời, rất nhiều nghệ sĩ đã thành danh. Ngôi nhà ấy bao nhiêu năm nay vẫn vậy, cũ kỹ, xập xệ, ẩm thấp, lặng lẽ, buồn. 

Len qua cánh cổng hẹp nơi có gốc xà cừ hàng trăm tuổi rễ mọc chồi lên choán hết cả lối đi, vào phía trong, những cánh cửa phòng làm việc vẫn mở: phòng đạo diễn, phòng biên kịch, phòng sản xuất, phòng Giám đốc, phòng kỹ thuật… nhưng có một điều dễ cảm nhận rằng nơi đây như một ngôi nhà hoang, không người, cũ ẩm bị bỏ quên từ lâu lắm… Gõ cửa phòng Giám đốc - đạo diễn Vương Đức. Trong phòng, những góc tường trắng loang lổ bởi ẩm mốc nhưng được bài trí đẹp. Trên tường treo những tấm ảnh của Bác Hồ với các văn nghệ sĩ. Bên bàn làm việc của đạo diễn là bức tranh hoa mơ…

- Chào anh! Tôi ấn tượng với bức tranh “Hoa mơ” bên bàn làm việc của anh!

- Đây là tranh của con gái tôi (họa sĩ Vương Ninh) vẽ tặng cha, và đây cũng là hình ảnh mà tôi lấy để in trong tấm thiếp chúc mừng năm mới của Hãng. Tôi đã đề trong lời chúc: Chúc năm mới 2013, chúc những ước mơ mới! Hoa mơ là biểu tượng của ước mơ. Một là biến giấc mơ thành thực tế, hai là chỉ có giấc mơ mà thôi! Tôi có nói với anh em nghệ sĩ là dù khó khăn đến đâu thì chúng ta vẫn phải có ước mơ để làm những bộ phim hay. Nếu chúng ta không có ước mơ và biến nó thành hiện thực tự chúng ta sẽ hủy hoại chúng ta.

- Nghĩa là các nghệ sĩ vẫn làm việc và vẫn “vùng vẫy” trong khó khăn, lời chúc năm 2013 đã có gì thành hiện thực rồi?

- Chúng tôi vừa có quyết định thực hiện 2 dự án phim lớn của Nhà nước - hai bộ phim lịch sử, chiến tranh hoành tráng. Đó là bộ phim “Sống cùng lịch sử” nói về vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ phim “Nhà tiên tri” nói về vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa là ước mơ trong năm 2013 đã thực hiện được 30 đến 40% rồi. An ninh Thủ đô là tờ báo đầu tiên tôi công bố 2 dự án này.

- Chúc mừng anh, Hãng Phim truyện Việt Nam từng là “anh cả đỏ” của điện ảnh Việt Nam mà. Nhưng nhìn ngôi nhà của “anh cả đỏ” thấy heo hắt quá!

- Bây giờ vẫn là “anh cả đỏ”, chỉ có điều “anh cả đỏ” bây giờ ốm yếu, bệnh tật đầy mình vì bị thiếu dinh dưỡng. Lâu rồi người ta không nhắc đến thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam, thời mà những đàn anh đàn chị của chúng tôi đã có những đóng góp không những bằng trí tuệ, tài năng mà còn cả bằng máu cho nền điện ảnh Việt Nam. Đã có nhiều người đã hy sinh trên mặt trận và kể cả lúc làm phim để có những tác phẩm để đời như thế. Đã có những lúc, đã có những vị lãnh đạo ở diễn đàn này hay ở diễn đàn khác nói rằng hình như chúng tôi bị bỏ rơi. Đúng là như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn  tiếp nối điện ảnh nước nhà đang vùng vẫy trong khó khăn, kiểu gì chúng tôi cũng vùng vẫy để được làm phim và để làm phim hay. Chúng tôi không muốn là loại hoa xấu hổ mọc ở khắp mọi nơi.

- Anh nói nghe buồn thế!

- Chúng tôi buồn nhiều chứ, chúng tôi đau khổ nhiều chứ, chúng tôi chán chường chứ. Chúng tôi có đầy đủ các trạng thái của đau đớn nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi nản chí mà “rửa tay gác kiếm”. Vì đấy là cuộc đấu tranh, là cuộc chiến đấu cho sự nghiệp chung và sự nghiệp riêng. Không có phim thì không có sự nghiệp. 

- Tôi đã nghe nhiều tiếng than về cơn bĩ cực của Hãng Phim truyện Việt Nam, nhưng ít thấy anh lên tiếng?

- Rất lâu rồi tôi không trả lời báo chí, tôi không xuất hiện trên truyền hình vì tôi muốn là một người làm, chứ không phải người nói, tôi là đạo diễn chứ không phải là MC.

- Vậy anh đã làm gì?

- Tôi đã xây dựng đề án. Câu chuyện của Hãng Phim truyện Việt Nam như thế này không phải là vấn đề chỉ nói hết trong một từ, trong một câu mà phải bằng những chứng cứ, bằng đề án để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng không chỉ là câu chuyện riêng của Hãng mà còn là vấn đề của nền điện ảnh Việt Nam. Tôi bảo vệ quyền lợi của chính Nhà nước chứ có bảo vệ quyền lợi của cá nhân tôi đâu.

- Thời kỳ anh làm Giám đốc có phải là thời kỳ khó khăn nhất không?

- Nếu tính từ khi Hãng thành lập đến nay thì tôi là Giám đốc thứ 12. Thế hệ đi trước tôi còn làm phim trong khi máy bay ném bom, bắn rốc-két nhưng tại ngôi nhà này vẫn hòa âm vẫn làm phim, tức là những người nghệ sĩ đối diện với sự hy sinh tính mạng của mình, cái đấy kinh khủng lắm chứ và họ vẫn lặng lẽ làm nên kỳ tích. Tôi không phải là người khó khăn nhất nhưng nói từ  thời bình từ năm 1975 đến nay, tôi là Giám đốc khó khăn nhất. Toàn bộ hệ thống kho tàng cơ sở vật chất xuống cấp không còn gì, thiết bị kỹ thuật, máy móc đều vô cùng lạc hậu, không được Nhà nước tiếp tục cung cấp, tôi lấy gì để làm bây giờ mà điện ảnh là ngành công nghệ của những công nghệ cao cấp. Lại thêm chuyện mất tiền của ngành Điện ảnh, những tai nạn, rủi ro, nhưng cái không may đến với chúng tôi, đến với ngành của tôi quá nhiều, cùng một lúc làm cho anh em văn nghệ sĩ chóng mặt. Nhưng đấy chỉ là một trong rất nhiều khó khăn khác. Rất nhiều anh em nghệ sĩ đã rời bỏ Hãng vì điều kiện sống không đảm bảo. Điện ảnh để lại khoảng trống vì thiếu họ.

- Biết trước khó khăn phải đối mặt, trước khi nhận cương vị làm thuyền trưởng của con thuyền đi trong bão ấy, anh có đấu tranh nhiều không?

- Tôi chả phải đấu tranh gì, đó là lựa chọn rất nhanh của tôi mà tôi cũng chả phải giấu giếm gì. Tôi làm Giám đốc để tôi được làm phim trong điều kiện tốt hơn. Thế thôi, rất đơn giản, không phải tôi làm Giám đốc để được làm Giám đốc. Nếu làm Giám đốc mà không được làm phim thì không bao giờ tôi đổi. Tôi cùng với anh em tập thể vượt qua khó khăn là cái rất là quan trọng hiện nay. Không ai làm được cái gì một mình cả, phải có sự đoàn kết cùng vượt qua khó khăn. Tinh thần ấy mà tới được anh em thì sẽ kích thích được trong công việc.

- Nói gì thì nói, chứ mức lương nghệ sĩ mà 3 triệu đồng/tháng trong thời buổi này thì thật khó tưởng tượng, thấp hơn lương cua người giúp việc?

- Lương tôi là 4 triệu đồng, mới được tăng thêm 3 trăm nghìn đồng. Còn trung bình anh em khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đúng là thấp hơn cả thu nhập của anh trông xe đạp. Đã mấy năm nay rồi, chúng tôi tự chi trả lương, mà không được hưởng lương ngân sách Nhà nước. Chính vì thế tôi mới làm đề án trình các Bộ để có chính sách đặc thù về lương, về chế độ đãi ngộ đối với NSND, NSƯT, những chuyên viên có chuyên môn cao để họ được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước như những viên chức Nhà nước. Họ xứng đáng được hưởng như vậy.

- Điện ảnh nước nhà như đang đứng trên bờ vực?

- Khó khăn lắm, không chỉ chúng tôi mà cả điện ảnh tư nhân cũng nhiều anh phá sản.

- Tại sao chúng ta không thể gọi tên được nhưng thứ khó khăn ấy để tìm cách tháo gỡ?

- Gọi tên được cả chứ, nhưng vấn đề là ở chỗ tháo gỡ thế nào. Gỡ khó thì chỉ có cách chúng ta làm phim hay. Mà các nhà làm phim Việt Nam đang làm phim trong điều kiện như thế này đây, thì phim hay thế nào. Điện ảnh thế giới một năm họ làm khoảng trên dưới 2.000 phim, những phim hay được các Liên hoan phim quốc tế, các chợ phim quốc tế công nhận trên toàn cầu cỡ khoảng 20 phim. Như vậy tỉ lệ 100 phim mới có 1 phim hay mà một năm chúng ta chỉ làm khoảng 10-15 phim thì tỉ lệ phim hay là rất nhỏ. Chúng ta nhập thoải mái phim nước ngoài, 1 năm trung bình chúng ta nhập khoảng 100 phim nước ngoài, tỉ lệ phim trong nước và nước ngoài là 1/10, vậy thử hỏi ta cạnh tranh thế nào? Hơn nữa hệ thống rạp, phát hành phim bây giờ lại là câu chuyện ngoài tầm quản lý. Có thể nói là 70% các công ty nước ngoài quản lý hệ thống rạp của chúng ta. Số rạp hiện nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam có trên 100 cụm rạp và 70% là do nước ngoài, tư nhân quản lý, Nhà nước quản lý chỉ 30%. Vậy thì “cửa” nào cho điện ảnh nghệ thuật của Việt Nam ra rạp trong khi các hệ thống rạp hoạt động vì lợi nhuận.

- Điện ảnh Việt Nam đã từng có thời hoàng kim?

- Điện ảnh Việt Nam đã có những đóng góp lớn không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà có cả sứ mệnh nghệ thuật, nhưng từ khi chúng ta đổi mới, xây dựng kinh tế thị trường, vào WTO, những chính sách kinh tế, văn hóa đã có tác động trực tiếp vào điện ảnh và làm cho điện ảnh mỗi ngày một thêm khó khăn hơn. Trong khi có rất nhiều lĩnh vực khác được hưởng lợi từ cái gọi là đổi mới thì điện ảnh lại ngày càng tệ hơn.

- Trong cuộc đời làm điện ảnh của anh, đã gần 30 năm, có lúc nào anh định thôi không làm phim?

- Ai bảo thế! Tôi chưa bao giờ công bố tôi sẽ không làm phim! Tôi đã làm 4 phim rồi, đầu tiên là “Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi, Rừng đen”, bây giờ tôi làm thêm “Nhà tiên tri”. Chắc cuộc đời tôi chỉ làm được 5 phim thôi.

- Nghe nói đã có lúc anh làm những công việc ngoài điện ảnh?

- Làm nhiều chứ. Cả hai vợ chồng tôi mấy lần định bỏ nghề vì khổ quá. Còn tôi 2 lần định bỏ nghề rồi. Ngay từ phim đầu tiên tôi đã có quyết định ấy rồi. Khổ không phải là đời sống vật chất, nghèo không có tiền uống cà phê thì uống nước lọc. Nhưng nó là cái khổ tinh thần. Đấy là cái khổ nặng nề, khó vượt qua. 

- Trong quãng thời gian bỏ nghề ấy anh làm gì?

- Tôi không làm phim truyện có đi kinh doanh một thời gian. Kể cả lúc kinh doanh tôi vẫn làm phim tài liệu, phim truyền hình và thậm chí quay đám ma, đám cưới. Đấy là thời gian buồn với tôi, nhưng nhìn lại chính những ngày tháng ấy lại cho tôi lang thang đi đây đi đó, tôi có những vốn sống để làm phim truyện sau này.

- Thế lần bỏ nghề thứ hai của anh vào khi nào?

- Tôi định bỏ vào Nam sống, hoặc định trở lại Nga. Nhưng cuối dùng không thể đi được và hình như là định mệnh, tôi ở lại đây. Làm phim nó cũng cực nhọc lắm chứ đâu phải chỉ có ngồi rung đùi sung sướng đâu. Nhưng tôi thấy quyết định ở lại là quyết định đúng đắn. Có thể tôi sẽ có cuộc sống sung túc hơn, vật chất giàu có hơn nhưng chưa chắc tôi đã hài lòng. Biết đâu lúc đó mình sẽ đau khổ vì mình không được làm phim.

 

- Anh đã “nghiện” phim rồi?

- Không phải là “nghiện”, mà công việc của người đạo diễn là công việc có sự quyến rũ riêng. Chúng tôi có một cuộc sống nghề nghiệp không ngày nào giống ngày nào, không giờ nào giống giờ nào. Đó là điều hết sức thú vị không bao giờ chán được. Tôi có thể chán rất nhiều thứ nhưng phim không làm tôi chán được. Nó mạnh mẽ còn hơn cả ma túy. Ai trót dại mà dây dưa với nó thì không bỏ được. Ma túy còn cắt cơn, còn cho vào trại để cai được chứ nhốt mấy ông làm phim vào trại thì lại trốn ra thôi. Thế nên bỏ nghề mấy lần mà có được đâu. 

- Anh từng nói anh có chịu 3 kiếp chó cũng được miễn là được làm phim?

- Đấy là tôi nói từ lâu rồi. Để đưa kịch bản vào làm phim là rất khó, đó là kiếp chó thứ nhất, chó còn sướng hơn bọn tôi, hai là khi kịch bản được đưa vào sản xuất nhưng lại thiếu tiền để sản xuất, đó là kiếp chó thứ hai, kiếp chó thứ ba là khi làm phim xong rồi lại không được chiếu một cách đàng hoàng tới khán giả. Còn bây giờ thì mình phải làm kiếp người chứ, phải đàng hoàng ở kiếp người để mà làm phim chứ.

- Anh thấy nền điện ảnh Việt Nam đang ở đâu, sự sống còn của nó như thế nào?

- Một là phải cựa quậy để sống lại, hai là sẽ chết, không còn con đường nào khác. Nếu sống lại thì phải sống cuộc sống  mới. Tất cả mọi người phải xúm vào. Từ các nhà lãnh đạo, Bộ Văn hóa cho đến các nghệ sĩ chúng tôi. Điện ảnh đang đứng bên bờ vực thẳm rồi. Phục sinh để lấy lại phong độ. 

- Nhà phê bình phim Tô Hoàng, trên một tờ báo có nói rằng: “Nhà nước phải dành cho điện ảnh những khoản kinh phí như kinh phí xây dựng đường dây tải điện 500Kw, xây dựng cảng Dung Quất… Tức là để lập một cơ quan tạo máu mới cho một nền điện ảnh đang ung thư tủy”, quan điểm của anh thế nào?

- Khi cách đây chưa đầy 30 năm, Điện ảnh Hàn Quốc tệ hơn chúng tôi bây giờ nhưng sau đấy họ đã bứt phá và có nhiều biện pháp để trở thành điện ảnh Hàn Quốc như ngày nay, họ đã bừng lên thậm chí cạnh tranh với điện ảnh Mỹ  - một gã khổng lồ vẫn độc tôn trên nền điện ảnh thế giới. Điện ảnh Hàn Quốc bừng lên là có sự vào cuộc của hệ thống chính trị Hàn Quốc. Những người đã kích thích cho hệ thống chính trị Hàn Quốc vào cuộc đấy chính là những người làm điện ảnh. Khi họ nhìn thấy nền điện ảnh đang đứng trước bờ vực cùng sự tan rã, bị tiêu diệt, hủy hoại, tất cả những anh em nghệ sĩ điện ảnh, những nhà sản xuất điện ảnh, những nhà chiếu phim, những nhà phát hành đã có tác động trước khi Quốc hội Hàn Quốc họp và họ nói: Sống hay là chết, Quốc hội hãy quyết định. Sau đó từ Thủ tướng, cho đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa của họ đã đưa những tập toàn lớn, tập đoàn kinh tế khổng lồ của Hàn Quốc, dành một phần vốn vay ở ngân hàng thế giới để gửi khoảng trên dưới 400 người làm nghề trẻ sang Mỹ, châu Âu để học tất cả mọi thứ và những con người đó trở về và đã làm nên chuyện ở Hàn Quốc. Hoặc như khi điện ảnh Nga rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, Tổng thống Vladimia Putin đã ký sắc lệnh quốc gia nhằm củng cố và phát triển nền điện ảnh Nga. Và điện ảnh Nga bây giờ đã hồi phục mạnh mẽ và giành được nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế uy tín.

- Xin hỏi anh một câu cuối: Có một nguyên thủ quốc gia đã từng nói đại ý rằng: Sự suy kiệt về kinh tế, không đáng sợ bằng sự suy kiệt văn hóa. Nếu cứu thì hãy cứu văn hóa trước khi cứu kinh tế? Anh thấy thế nào?

- Đây cũng là một đề tài để tranh luận đấy. Giống như câu chuyện có một gia đình đi trên con thuyền sắp chìm. Người chồng sẽ cứu ai. Cứu con vì nó là tương lai của cuộc sống, cứu vợ vì vợ sẽ sinh ra được đứa con. Hãy suy nghĩ đi vì nếu suy nghĩ lâu quá thì sẽ chết cả ba. Tất cả tình huống giả định thôi. Nhưng tôi muốn chúng ta hãy hành động.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!