Hàng Việt vào siêu thị lớn trên thế giới

ANTĐ - Thông qua hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ có đầu tư tại Việt Nam, hàng Việt đã đến được với người dân nhiều nước trên thế giới. Ở trong nước, hàng Việt ngày càng mở rộng phạm vi “phủ sóng”, chứng tỏ được uy tín và chất lượng. 
Hàng Việt vào siêu thị lớn trên thế giới ảnh 1

Sản phẩm dệt may Việt Nam có uy tín cả ở trong và ngoài nước

Hàng Việt “đặt chân” đến nhiều nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, tại 114 siêu thị của Lotte tại Hàn Quốc, hàng Việt Nam đã có mặt trên kệ hàng. Cụ thể, trong năm 2015, sẽ có 200 sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam được đưa sang bán tại Hàn Quốc, thông qua hệ thống bán lẻ của Lotte với trị giá khoảng 1 triệu USD. Hàng hóa được Lotte Mart thu mua tăng gấp 4 lần so với lần “xâm nhập” thị trường Hàn Quốc năm 2014 (đạt 250.000 USD với 101 mặt hàng). Đây mới chỉ là một trong số những thị trường mà hàng Việt Nam hướng đến. 

Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch để đưa hàng Việt Nam xuất khẩu và phân phối trong toàn hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam như: Metro, Big C, AEON… Đặc biệt, trong nhiều năm liên tiếp, hệ thống siêu thị Big C tại Pháp đều tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam để giới thiệu, quảng bá hàng Việt với người dân nước này. Nhóm hàng chủ lực là nông sản đặc sản của Việt Nam. 

Đối với một số doanh nghiệp phân phối lớn của nước ngoài đang quan tâm đến thị trường Việt Nam như: Wall Mart - Mỹ, Auchan - Pháp… Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động xúc tiến việc hợp tác để phân phối hàng trong toàn hệ thống của họ. “Ngoài việc đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chương trình sử dụng, tiêu thụ, sản xuất hàng Việt Nam, chúng tôi sẽ mời gọi doanh nghiệp FDI tích cực tham gia chương trình này, sử dụng nhiều hơn nữa các sản phẩm tại Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Trong khi đó, ở trong nước, người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam. Nếu như trước đây, tỷ lệ người được hỏi biết đến hàng Việt chỉ có 30% thì sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, con số này đã tăng lên đến 90%. Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. 

Giá cả, chất lượng chưa cạnh tranh

Theo bà Lê Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù hàng Việt Nam ngày càng được tin dùng ở cả trong và ngoài nước, nhưng chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng. Trên thực tế, một số nhóm hàng Việt Nam vẫn thua kém hàng nhập ngoại, cả về giá cả và chất lượng.

Có thể kể đến nhóm hàng máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu. So với hàng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hàng Việt không thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả, nên các sản phẩm trong nước sản xuất được chưa có mặt nhiều trong các dự án, công trình. “Thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước còn hạn chế về chủng loại, chất lượng. Do đòi hỏi chất lượng và tuổi thọ cao của thiết bị, trong nhiều dự án, chủ đầu tư đã “loại” hàng Việt ngay từ vòng lập hồ sơ” - bà Lê Thị Việt Nga bày tỏ.

Đối với nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu như da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cũng nhận xét: “Hàng Việt Nam hiện chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không chú trọng xây dựng thương hiệu nên phải đi qua các đầu mối trung gian, đẩy giá bán lên cao và lẫn lộn với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trước khi đến tay người tiêu dùng”. 

Theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, địa phương này đã tích cực tuyên truyền, tổ chức người dân mua sắm hàng Việt, nhưng nhìn chung, giá hàng Việt Nam vẫn còn cao so với thu nhập của người dân miền núi. 

Rõ ràng, tới đây, Bộ Công Thương cần triển khai thêm nhiều giải pháp để đẩy mạnh phân phối hàng Việt, đặc biệt là phối hợp với các địa phương, kết nối cung - cầu, tuyên truyền cho những sản phẩm “made in Việt Nam” có chất lượng.