Hàng Việt muốn có mặt ở tất cả các thị trường có FTA với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đề án doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài đặt mục tiêu hàng Việt sẽ có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Quả vải tươi Việt Nam được bày bán tại siêu thị nước ngoài

Quả vải tươi Việt Nam được bày bán tại siêu thị nước ngoài

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1415/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” nhằm quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Việt Nam…

Mục tiêu tổng quát của Đề án này là nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững;

Việc đẩy mạnh phân phối hàng hóa Việt Nam vào thị trường nước ngoài cũng góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có năng lực cung ứng hàng hóa khối lượng lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, uy tín.

Về mục tiêu cụ thể, bên cạnh việc cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến thương mại… Đề án sẽ hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới;

Hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; Phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Trong năm 2022, hàng Việt đã có mặt tại nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại của nước ngoài như: Pháp, Thái Lan, Hà Lan, Singapore, Nhật Bản... Hầu hết các sản phẩm này đều là nông sản, đặc sản của Việt Nam.