Hàng triệu thí sinh đăng ký dự thi ĐH

ANTĐ - Hôm nay, 11-3 là thời điểm chính thức thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013. Đây cũng là điểm nóng về công tác tư vấn chọn ngành nghề trước nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ của hàng triệu thí sinh trên cả nước.

Khối công an thu hút nhiều thí sinh tìm hiểu về tuyển sinh

Còn 1 tháng để cân nhắc, lựa chọn ngành nghề

Sáng 10-3, hàng chục nghìn thí sinh Thủ đô đã tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh do Bộ GD-ĐT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Đây là thời điểm gấp rút để ôn tập và xác định ngành nghề phù hợp với các thí sinh trước khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm nay. Trước thời điểm chính thức thu nhận hồ sơ ĐKDT, ngày 11-3, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ      GD-ĐT lưu ý thí sinh nên cân nhắc kỹ thay vì nôn nóng, bởi thời hạn này còn kéo dài cả tháng.

“Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi ngay tại các trường THPT là từ 11-3 đến 11-4. Sau đó, từ 12 đến 19-4, các em có thể tiếp tục nộp hồ sơ tại trường đăng ký dự thi. Về nội dung đăng ký dự thi, các em cần đọc kỹ hướng dẫn phía sau. Bên cạnh đó, các em cần tham khảo cuốn những điều cần biết hay thông tin tuyển sinh cụ thể của các trường để ghi chính xác mã trường, mã ngành đào tạo” - ông Nghĩa cho biết. 

Trước băn khoăn của thí sinh về những thay đổi trong cách đăng ký hồ sơ cũng như việc hoán đổi thứ tự các môn thi trong kỳ thi tới, ông Trần Văn Nghĩa phân tích hồ sơ năm nay có thay đổi với việc bổ sung thí sinh dự thi liên thông, dành riêng cho đối tượng học xong CĐ, TCCN muốn tiếp tục được học cao hơn sẽ phải tham gia dự thi cùng thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Theo ông Nghĩa, điểm thay đổi nhỏ nhưng quan trọng của mùa thi 2013 là việc sắp xếp thứ tự một số môn thi. Trước đó, năm 2012, khối B thi thứ tự các môn là Sinh, Toán, Hóa sẽ được đổi lại thành Toán, Sinh, Hóa; với khối C từ thứ tự các môn Ngữ văn, Sử, Địa được đổi thành Địa, Sử, Ngữ văn; khối D từ Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ chuyển thành Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý thí sinh, nhất là với những trường hợp thi lại trước những thay đổi này để tránh tình trạng nhầm lẫn, gây tâm lý không tốt khi bước vào phòng thi. “Việc thay đổi này xuất phát từ đề nghị của các trường nhằm tránh việc thí sinh phải thi hai môn tự luận trong ngày nhằm giúp các thí sinh bớt căng thẳng khi thi liên tiếp 3 môn” - ông Nghĩa cho biết.

Khối công an-quân đội thu hút thí sinh 

Một trong những khu vực tư vấn được nhiều thí sinh quan tâm nhất là nhóm kinh tế - khoa học xã hội nhân văn - báo chí - công an - quân đội. Tham gia khá tích cực trong ngày hội tuyển sinh, ông Sử Ngọc Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Học viện An ninh cho biết, là năm đầu tiên tham dự chương trình, học viện chuẩn bị rất chu đáo với đội ngũ tư vấn là các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm và các sinh viên xuất sắc nhất được chọn lựa để truyền đạt không chỉ thông tin tuyển sinh của nhà trường mà cả “bí kíp” để thi, học tập thật tốt trong môi trường công an. 

Nằm trong những vấn đề nhiều thí sinh băn khoăn là cơ hội tuyển sinh vào khối công an với thí sinh nữ, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Kế hoạch tuyển sinh - Cục Đào tạo - Bộ Công an  giải thích: “Năm nay Bộ Công an quy định thí sinh nữ không cần thiết phải đạt học lực giỏi 3 năm mới được dự thi. Tuy nhiên, các yêu cầu về sức khỏe, thí sinh nữ phải tuân thủ đúng quy định vì công việc đặc thù trong ngành đòi hỏi các tiêu chuẩn cụ thể của Bộ Công an”. 

Bên cạnh đó, trước tình hình khá chìm lắng của các ngành xã hội, nhiều thí sinh đã được các chuyên gia tuyển sinh tháo gỡ những vấn đề liên quan từ tuyển sinh, học tập và nghề nghiệp sau này của khối xã hội và nhân văn. Theo TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, ngành học dễ có việc làm nhất chính là ngành bạn yêu thích nhất và phù hợp với năng lực bản thân. Cơ hội việc làm nhóm ngành xã hội rất rộng mở với những người thật sự có năng lực phù hợp với công việc. Những ngành thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn vẫn có nhu cầu nhân lực nhiều, chẳng hạn: nhóm ngành pháp lý, ngành công tác xã hội, truyền thông... “Ngành công tác xã hội là một trong 20 ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn nhất trong những năm tới. Sắp tới, mỗi xã phường sẽ có một người chuyên trách công tác xã hội. Do vậy, cơ hội việc làm ngành này rất lớn” - ông Phạm Tấn Hạ khẳng định.