Hàng trăm vụ phạm pháp hình sự phát sinh từ mâu thuẫn trong dân

ANTD.VN -Từ đầu năm đến nay, có khoảng 12% tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi giao ban công tác nội chính 9 tháng đầu năm 2016 và đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ nguyên nhân xã hội thông qua hòa giải tại cơ sở, do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay, 29-9.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 12% tổng số vụ pháp pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi giao ban công tác nội chính 9 tháng đầu năm 2016 và đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ nguyên nhân xã hội thông qua hòa giải tại cơ sở, do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay, 29-9.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng giao nhiệm vụ cho các đơn vị

Ông Nguyễn Tự Cấp, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện Luật hòa giải cơ sở từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã kiện toàn được 5.468 tổ hòa giải với 34.791 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 3 thành viên trở lên, số lượng và quy mô các tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư do Chủ tịch UBND xã, phường quyết định thành lập.

Đa số các tổ hòa giải hoạt động theo hình thức họp mặt, gặp gỡ trao đổi, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Theo ông Cấp, 6 tháng đầu năm nay, số vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được các tổ hòa giải phát hiện là 9.706 vụ, đã hòa giải thành công 7.649 vụ (chiếm 78,8%).

Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn nhiều nhất trong nội bộ nhân dân xuất phát từ tranh chấp đất đai (chiếm 41%) và chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn. Tiếp đến là các mâu thuẫn xuất phát từ quan hệ tình cảm (chiếm 18,1%); nợ nần tiền bạc, vật chất (chiếm 7,1%), còn lại là mâu thuẫn từ các lý do khác như va chạm giao thông, xích mích trong uống bia rượu, đổ chất thải…

Cũng theo ông Nguyễn Tự Cấp, qua phân tích, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội (tính từ 1-10-2015 đến hết tháng 6-2016) được phát hiện có nguyên nhân phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là 847 vụ, chiếm tỷ lệ 12% tổng số vụ pháp pháp hình sự trên địa bàn thành phố. Trong đó, số vụ phạm pháp hình sự do không phát hiện được mâu thuẫn từ trước lên tới 575 vụ, chiếm 68%.

“Điều này cho thấy công tác nắm thông tin, phát hiện mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân sớm rất quan trọng. Thực tế ở đâu làm tốt công tác nắm tình hình, hòa giải thành những mâu thuẫn phát sinh thì ở đó, số vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến mâu thuẫn giảm” – Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội nói.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tham luận tại hội nghị

Phân tích sâu hơn về thực trạng này, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, qua tổng hợp kinh nghiệm giải quyết và hòa giải các vụ việc cho thấy, những nguyên nhân làm phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và từ các mâu thuẫn này gây nên các vụ án phạm pháp, thậm chí các vụ phạm pháp hình sự nghiêm trọng trong cộng đồng dân cư như chồng giết vợ, con giết cha… đều do mâu thuẫn, bức xúc bị kìm nén trong thời gian dài.

“Vì thế, nếu nắm bắt được các mâu thuẫn phát sinh từ trong nội bộ nhân dân, cụ thể là mâu thuẫn phát sinh từ các cá thể, gia đình, dòng họ, các nhóm đối tượng trong cộng đồng dân cư để hòa giải ngay từ đầu thì sẽ góp phần hạn chế được tội phạm” – Phó Giám đốc CATP chia sẻ. Đồng quan điểm này, các đại biểu cũng đều cho rằng, công tác hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cộng đồng dân cư, giúp kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, 9 tháng qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được duy trì, ổn định, kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm không chỉ là 3 tháng nước rút về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chắc chắn cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn do là “tháng củ mật”, vì thế nhiệm vụ đặt ra cũng nặng nề hơn, đòi hỏi cố gắng nhiều hơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cơ quan khối nội chính của thành phố cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để giải quyết ngay tại cơ sở, mở rộng các đợt cao điểm trấn áp tội phạm cũng như tập trung nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết khiếu nại tố cáo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Riêng về công tác hòa giải tại cơ sở, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định, với tác động của suy giảm kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, phân hóa giàu nghèo ngày càng cao, thất nghiệp ngày càng nhiều… thì tội phạm xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn trong nội bộ nhân dẫn chắc chắn sẽ ngày càng phức tạp.

Vì thế, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các quận/ huyện/ thị, ban ngành liên quan phải chỉ đạo tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả phát hiện, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân nhằm phòng ngừa phát sinh tội phạm ngay từ cơ sở.