Hàng trăm tỷ đồng vốn trái phiếu bị dùng sai

ANTĐ - Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn có tình trạng xây dựng nhu cầu vốn vượt xa thực tế, thậm chí lập kế hoạch vốn cho cả dự án không có nhu cầu.

Có tình trạng xây dựng nhu cầu vốn trái phiếu xa thực tế, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng

Dự án đã hoàn thành vẫn đăng ký “xin” vốn 

Những vấn đề nêu trên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong kết quả kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện tại 7 bộ, ngành và 56 tỉnh, thành phố. Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2014, Chính phủ đã phân bổ hơn 99.544 tỷ đồng vốn trái phiếu, góp phần quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên, giúp giảm tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản, giảm tình trạng lãng phí do bố trí vốn dàn trải...

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý như, công tác xây dựng nhu cầu vốn chưa phù hợp như chưa theo thứ tự ưu tiên, chưa căn cứ tiến độ nên một số dự án còn dư vốn lớn chưa giải ngân được phải điều chỉnh kế hoạch vốn hoặc kéo dài thời gian thanh toán. Thậm chí, có tình trạng xây dựng vốn cho dự án đã quyết toán và không có nhu cầu dẫn tới không giải ngân được. Bên cạnh đó, còn có tình trạng xây dựng vượt kế hoạch vốn giai đoạn, đăng ký cho các dự án đã bố trí đủ vốn, không căn cứ tổng mức đầu tư được duyệt. 

Kiểm toán Nhà nước nêu ví dụ cụ thể, tại tỉnh Tây Ninh, các dự án đối ứng vốn ODA không sát nên chỉ giải ngân được 3,79% kế hoạch vốn. Dự án kè sông Cổ Chiên, thành phố Vĩnh Long với mức vốn trái phiếu Chính phủ là 1.000 tỷ đồng nhưng đơn vị xây dựng kế hoạch vốn 1.417 tỷ đồng. Bệnh viện Lao phổi Vĩnh Long cũng chỉ có mức vốn trái phiếu Chính phủ là 54 tỷ đồng nhưng xây dựng lên hơn 88 tỷ đồng... Tại Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh đã đăng ký 3 danh mục công trình gồm đường tới trung tâm xã Vĩnh Bình, đường Thạnh Mỹ - Thạnh Lộc, đường ôtô tới trung tâm xã Thạnh Lợi trong khi đã được giao đủ vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng không báo cáo chính xác số liệu đã phân bổ hàng năm, dẫn đến xác định vượt nhu cầu, đăng ký cho một số dự án cao hơn nhu cầu chủ đầu tư. Đơn cử như tại tỉnh Bạc Liêu có Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lợi được phê duyệt với tổng mức đầu tư là hơn 67,5 tỷ đồng trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là trên 54 tỷ đồng nhưng lũy kế tới cuối năm 2014, tổng giá trị vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ cho dự án lên tới hơn 59,8 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do địa phương khi báo cáo đăng ký nhu cầu vốn đã không cập nhật đúng số liệu. Tại một số địa phương khi xác định nhu cầu vốn không xác định số đã phân bổ từ những năm trước nên đã được phân bổ vượt hàng trăm tỷ đồng.

Không đăng ký vẫn được giao vốn

Về công tác phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những hạn chế. Cụ thể, công tác phân bổ vốn từ Trung ương đến địa phương tuy đã có khắc phục so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những tồn tại như giao chưa sát và không phù hợp với nhu cầu. Ví dụ như dự án Quốc lộ 22B không được giao trong khi nhu cầu vốn là 1 tỷ đồng, dự án Quốc lộ 57 được giao 26,4 tỷ đồng trong khi nhu cầu lên tới 51,4 tỷ đồng...

Thậm chí, có tình trạng dự án tại địa phương không đăng ký vẫn được giao vốn như dự án đường Km37 Quốc lộ 179-Nậm Lịch tỉnh Điện Biên không đăng ký nhưng được giao 872 triệu đồng. Có những dự án không thuộc danh mục dự án được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ vẫn được giao vốn như dự án cầu Nguyễn Trung Trực tỉnh Kiên Giang, dự án Phòng khám đa khoa khu vực Mường Toong, Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên...

Hạn chế trong công tác quản lý vốn tạm ứng cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là còn thiếu chặt chẽ. Điều này dẫn tới việc các dự án hoàn thành từ nhiều năm trước hoặc hết thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn chưa thu hồi tạm ứng. Cá biệt có những dự án ứng vốn từ nhiều năm trước song đến nay vẫn chưa có khối lượng để hoàn ứng hoặc dự án đã hoàn thành, quyết toán song chưa thu hồi.

Với những tồn tại hạn chế nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý tài chính 807,8 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 39,3 tỷ đồng, giảm giá gói thầu, hợp đồng 157,9 tỷ đồng, hoàn trả vốn trái phiếu Chính phủ 248,1 tỷ đồng... Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định trong việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ sai danh mục, đối tượng.

Nhìn nhận về những vấn đề nêu trên, các chuyên gia cho rằng cần có sự chấn chỉnh kịp thời, tránh việc các địa phương lầm tưởng vốn trái phiếu giống như “bầu sữa không cạn”.