Hàng trăm tỷ đồng ra tro do bất cẩn

ANTĐ - Tuy mới là giai đoạn đầu của mùa hanh khô, song hàng loạt vụ cháy lớn đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại lớn về tài sản. Những vụ cháy vừa qua phần nào cho thấy công tác kiểm tra an toàn PCCC, báo cháy, chữa cháy ban đầu không hiệu quả.

Cháy lớn “nuốt” chửng Nhà máy sản xuất Diana hôm 25-10

Liên tiếp xảy ra cháy lớn

Một tháng sau vụ cháy tại Trung tâm thương mại Hải Dương, tỉnh Hải Dương làm sập đổ gần như hoàn toàn khối nhà 4 tầng, diện tích trên 6.000m2, chiều 25-10, một vụ hỏa hoạn lớn tương tự lại xảy ra ở Nhà máy sản xuất Diana, rộng hàng nghìn mét vuông, thuộc thôn Tư Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau khoảng 1 tiếng bùng cháy dữ dội, lửa đã kéo sập hoàn toàn khu nhà xưởng diện tích 11.000m2, bất chấp sự nỗ lực của hàng trăm Cảnh sát PC&CC được huy động, tri viện từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hoàn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Công an tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ, tuy nhiên có thể xác định được một số vi phạm về PCCC của doanh nghiệp này, rõ nhất là việc tập kết, lưu giữ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất trong khu vực đang thi công, xây dựng. 

Một ngày trước vụ cháy Nhà máy sản xuất Diana, tối 24-10, hỏa hoạn cũng xảy ra tại khu nhà Lang - ngôi nhà sàn của vị quan Lang duy nhất còn sót lại và đang được bảo tồn tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Vụ cháy đã khiến ngôi nhà hơn 100 năm tuổi chỉ còn trơ khung, than hóa gần hết. Ông Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cho hay, vụ hỏa hoạn xảy ra do một nhóm khách tham quan (2 nam, 2 nữ) tự ý nhóm lửa ở bếp Mường trong nhà Lang để... nướng ngô. Khi ngọn lửa bùng lên, những người này không cứu chữa mà bỏ chạy để mặc ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Một ngày sau, hỏa hoạn tiếp tục thiêu rụi 150 ki-ốt kinh doanh hàng hải sản tươi sống, hàng khô, tạp hóa bên ngoài chợ Hải Hà (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh).

Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Phòng Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy - Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây, địa bàn đã xảy ra 8 vụ cháy, trong đó có vụ hỏa hoạn tại một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất linh kiện điện tử (Cụm Công nghiệp Thạch Thất), gây thiệt hại ước tính hàng chục triệu USD. Mới đây nhất, đêm 25-10, hỏa hoạn cũng bùng cháy ở Công ty cổ phần Đại Kim  (công ty chuyên sản xuất các mặt hàng mút xốp), ở đường Kim Giang, quận Hoàng Mai.

Để cháy lớn sẽ khó cứu chữa

Thượng tá Trần Quang Cường - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, đám cháy chỉ cần phát triển từ 3 đến 6 phút, nhiệt độ cháy đã dao động từ 600 độ C - 800 độ C, lâu hơn sẽ tăng lên cả nghìn độ C. Nói như vậy để thấy, nếu không muốn xảy ra cháy lớn, lực lượng PCCC cơ sở chỉ có từ 3-6 phút để triển khai lực lượng, phương tiện khống chế, khoanh vùng gốc lửa và gọi điện cho 114 đến hỗ trợ. “Nghiên cứu này cho thấy công tác tuần tra canh gác, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy ban đầu quan trọng như thế nào” -  đại diện Phòng Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy nhấn mạnh.

Dẫn chứng vụ cháy mới xảy ra tại Nhà máy sản xuất Diana (Bắc Ninh), Thượng tá Trần Quang Cường phân tích: Với một đám cháy có quy mô cả nghìn mét vuông, nhiệt độ cháy cả nghìn độ C như vậy, lượng nước một số xe chữa cháy “đổ” vào ban đầu rất khó lòng cứu chữa. Nước từ “vòi rồng” chưa chạm mặt lửa đã bị sức nóng hàng nghìn độ C làm cho bốc hơi, chứ chưa nói đến xuống được gốc lửa. Đám cháy có sức nóng lớn, chỉ cần 15-20 phút đã kéo sập vì kèo sắt, mái tôn nhà xưởng. Giống như chiếc “chảo bị úp vung”, nước chữa cháy phun đến đâu bị chuội đến đó khiến việc chữa cháy không hiệu quả. 

Với một khu chợ, trung tâm thương mại, nhà xưởng có quy mô rộng hàng nghìn mét vuông, hỏa hoạn xảy ra ở một ngóc, ngách nào đó rất khó để phát hiện sớm nếu chỉ dựa vào vài ba nhân viên bảo vệ. Việc tăng cường nhân lực tuần tra canh gác là cần thiết, song với một cơ sở có diện tích lớn, nhất thiết phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống này sẽ định vị cho lực lượng cơ sở biết chính xác vị trí cháy ở đâu để triển khai phương tiện, lực lượng đến ứng cứu, ngăn hỏa hoạn lan rộng trong khi chờ lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

Chấm dứt tình trạng kiến nghị nhưng không đôn đốc

Trước việc xảy ra liên tiếp các vụ cháy lớn tại một số địa phương, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an vừa ký công điện yêu cầu chủ động phòng ngừa và tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn cháy nói chung và cháy lớn nói riêng trong mùa hanh khô và dịp Tết nguyên đán sắp tới. 

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và Công an các địa phương phải làm nghiêm túc, hết trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; tổng kiểm tra thường xuyên, định kỳ công tác PCCC tại các cơ sở trọng điểm về cháy nổ, thuộc địa bàn quản lý để phát hiện sơ sở, thiếu sót về phòng cháy và kiến nghị có biện pháp khắc phục ngay; đối với những vi phạm gây mất an toàn về PCCC thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định thì cần phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động và công bố công khai.

Tổ chức kiểm tra đột xuất đối với công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ; rà soát và tổ chức thực tập phương án chữa cháy có phối hợp của nhiều lực lượng, nhiều đơn vị Cảnh sát PCCC (kể cả liên tỉnh); kiểm tra khả năng kết nối, tiếp nhận thông tin báo cháy qua số điện thoại 114. Tăng cường kiểm tra việc tổ chức lực lượng, phương tiện tại chỗ, đặc biệt là đối với các cơ sở ở xa các đơn vị Cảnh sát PCCC...