Hàng trăm tỷ đồng mua danh hão

ANTĐ - Ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Báo An ninh Thủ đô đã nhận được khá nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ về vấn đề này. Ngạc nhiên ở chỗ, kết quả đỗ rất cao không làm nhiều người vui mà ngược lại, đó là cảm giác buồn và thất vọng…

Hàng trăm tỷ đồng mua danh hão ảnh 1
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt gần 99% có phản ánh đúng lực học của thí sinh cả nước?
(Ảnh minh họa)


Đỗ tốt nghiệp xấp xỉ… 100%

Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung cả nước năm nay đạt 97,63%. Cụ thể, đối với hệ THPT, tỷ lệ đỗ đạt 98,87%, còn hệ Giáo dục thường xuyên đạt 85,47%. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đối với hệ THPT tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp loại Giỏi là 2,59%; tỷ lệ đỗ loại Khá là 20,79%. Năm nay, tỷ lệ đỗ tăng đều ở các địa phương. Điều đặc biệt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là có rất nhiều trường đỗ tốt nghiệp 100%. Thanh Hóa là tỉnh có 110 trường THPT và trung tâm GDTX đỗ 100%. 

Trước kết quả thi tốt nghiệp THPT cao “ngất ngưởng”, thay vì vui mừng phấn khởi, không ít người đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng. “Bệnh thành tích”, “không đúng thực chất”, “danh hão”… là những cụm từ được sử dụng nhiều khi nói về kết quả này. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, dù 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH là khác nhau nhưng với cùng một đối tượng là học sinh học hết lớp 12 mà kết quả thi lại khác xa nhau thì cần phải xem lại tính thực chất của kỳ thi tốt nghiệp. 

Theo chị Hà Thu Loan - một giáo viên dạy Văn THPT, “với kết quả này không biết nên vui hay buồn. Chỉ có người thầy đứng lớp mới biết được lực học của học sinh như thế nào. Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 càng sớm càng tốt vì nó chỉ mang tính hình thức. Là một giáo viên, tôi thấy rất buồn. Thực tế này đã giết chết niềm đam mê của những giáo viên có tâm huyết. Tôi nghĩ rằng ngay những em không xứng đáng tốt nghiệp mà vẫn được nhận bằng tốt nghiệp cũng không “tâm phục khẩu phục” cách làm của người lớn. Thử hỏi, ngay cả giáo dục mà còn giả dối thì đất nước sẽ như thế nào”. 

Điều đáng nói là ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, trả lời câu hỏi của các phóng viên: “Tỷ lệ tốt nghiệp cao tới gần 100% thì có cần thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp nữa hay không?”, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng, việc tổ chức kỳ thi này không phải nhằm “đánh trượt” thí sinh. Đánh giá hiệu quả kỳ thi là ở chỗ có sát với chất lượng học tập của học sinh hay không và phải xem kỳ thi này tác động trở lại giúp cho việc học và thi sang năm nghiêm túc ở mức độ nào, có nâng cao chất lượng qua từng năm không. Sau năm 2015, khi thực hiện thay đổi SGK, đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nhiều thay đổi hình thức thi để cân nhắc việc nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.


Đỗ gần 100% là không tưởng

Dù cơ quan chức năng không công khai nhưng ngay cả người dân bình thường cũng có thể nhẩm tính sơ sơ mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Cả trăm tỷ để làm một cái việc thiếu thực chất mà hậu quả là bao thế hệ học sinh ảo tưởng về lực học của mình, như vậy quá tốn kém và không cần thiết. “Nếu làm theo cách, học sinh học đến đâu, kiểm tra đến đó, đạt yêu cầu thì cho lên lớp sẽ có một kết quả thực chất, phản ánh đúng trình độ của các em. Vì vậy, trong xu thế hội nhập, việc giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT tồn tại bất cập hơn là những tích cực nó mang lại. Thay vì chi phí tốn kém cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nhà nước nên dành một phần để cấp học bổng cho những em học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Nếu làm được điều này, trong tương lai, chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế” - ông Lê Toàn Thắng, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm.

Trước kết quả đỗ tốt nghiệp THPH đạt gần 100%, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, “với 6 môn thi, gần 100% học sinh đều vượt qua là điều không tưởng. Nếu bỏ ra biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, trí tuệ, thời gian... chỉ để loại 1-2% thí sinh thì tổ chức kỳ thi này còn có ý nghĩa gì? Nhưng nếu không thi thì học sinh không chịu học và khi đó giáo viên không còn hứng thú  để giảng dạy. Theo tôi, nên chấn hưng toàn bộ sự nghiệp giáo dục theo định hướng “Thực học, thực nghiệp” (như khẩu hiệu từ thời “Đông du” xa xưa), với tất cả quyết tâm của toàn ngành, học chữ cùng với học làm người, học để lập nghiệp, học để xây dụng đất nước. Khi đó ta sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên để biết rõ thực lực của từng học sinh và mạnh dạn cho lưu ban với các học sinh vừa kém, vừa lười biếng, kể cả học sinh các lớp cuối cấp. Tôi không hiểu nổi tại sao học sinh lớp 12 không được lưu ban mà chỉ có thể đợi năm sau dự thi với cương vị “thí sinh tự do”. Chúng ta nên học tập ở nhiều nước phát triển: Quyết định cho học sinh học lên hay chuyển sang học nghề căn cứ vào học bạ. Tất nhiên phải là các học bạ trung thực và đây là trách nhiệm cũng như lương tâm của từng nhà giáo, từng trường học”.

Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp ĐH mà phải làm nghề “tiếp thị mỳ tôm” như hiện nay thật đau lòng! Cần chấm dứt ngay tình trạng mất rất nhiều tiền mới có được việc làm, dù là công việc trái với ngành nghề đào tạo. Còn theo PGS. Văn Như Cương, nếu để các trường tự làm và làm nghiêm thì còn hay hơn việc tổ chức một kỳ thi tốn kém với quy mô quốc gia. Đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT và nâng cao chất lượng  kỳ thi đầu vào của các bậc học cao hơn.

Dạy học sinh thói hư danh?!

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam cho rằng: Việc chạy đua và tìm mọi cách để có một “kết quả hoàn hảo trong các kỳ thi” là một biểu hiện về sự háo danh của người Việt. Đó là sự ham thích phù phiếm mà bản thân chưa có được ở tầm đó nên họ sẽ tìm mọi cách để đạt được cái danh hão. Đối với các em học sinh, bản thân các em không biết mình đang bị người lớn nhồi nhét, hành hạ để được cái danh ảo. Từ trước đến nay, hiếu học vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tôi mong các cơ quan quản lý Nhà nước đừng vì danh hão mà chà đạp lên truyền thống này, lên cái “đạo” dạy và học. Chính sự háo danh, giả dối của người lớn đã làm hư con trẻ, khiến chúng mất lòng tin vào những người thầy, người cô vẫn hàng ngày rao giảng đạo đức trong các nhà trường.