Nhà đang chênh vênh bên miệng “hà bá”, bà Đinh Thị Hý sẵn sàng hiến đất làm kè
Sạt lở mà ngỡ động đất
Sông Bùi chảy qua địa bàn xã Quảng Bị dài khoảng 4km, nhưng có đến 3km đã và đang sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi lần mưa to, nước lên, các hộ dân sinh sống bên bờ sông lại chung nỗi lo mất nhà.
Bà Đinh Thị Hý, một hộ dân sinh sống tại đội 9, thôn 5 kể lại: “Nhiều đêm nằm ngủ nghe tiếng động tưởng động đất, chạy ra khỏi nhà mới hay, cả một góc vườn cùng cây cối bị kéo tụt hết xuống sông”. Cũng theo bà Hý, gia đình bà đã nhiều đời sinh sống trên mảnh đất này, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, sạt lở bờ sông ngày càng nặng nề. Trên mảnh đất nhà bà, sạt lở đã ăn sâu vào đến vườn, sát khu công trình phụ, chỉ một trận nước lên nữa, cả căn bếp sẽ bị kéo tụt xuống sông.
Cùng chung nỗi lo này là gia đình ông Đào Đức Kha, đội 9, thôn 5 xã Quảng Bị, hiện sạt lở cũng đã ngấp nghé vào đến phần nhà dưới. “Diện tích đất sổ đỏ nhà tôi trước kia là 390m2. Nhưng vừa rồi làm lại, đo đạc chỉ còn chưa đầy 190m2”. Gia đình ông Kha luôn phải sống trong lo lắng, vì những vết nứt ngang, nứt dọc, hàm ếch vẫn tiếp tục ăn sâu vào bờ sông. Cách đây vài năm, để bảo vệ đất đai, nhà cửa, gia đình ông Kha đã phải tự kè bờ sông bằng cọc tre và bao cát, nhưng bờ kè thủ công này không trụ được với sức nước. Toàn bộ công trình phụ cách đây vài năm cũng đã bị kéo đổ sập. “Sau lần sụp đổ toàn bộ công trình phụ ấy, gia đình đã phải di chuyển vào sâu hơn, nhưng cũng chẳng được mấy. Nếu không xây kè thì với đà này, chẳng mấy nữa, nhà tôi cũng chìm xuống lòng sông”, ông Kha bùi ngùi.
Ông Đỗ Viết Thắng, trưởng thôn 5 thẳng thắn chia sẻ: “Riêng đội 8 có hơn 100 hộ năm nào cũng bị nước ngập vào nhà. Hầu như nhà nào cũng bị rạn nứt. Trận lụt năm 2008, hàng trăm người phải di dời khẩn cấp về đội 13, xã Trần Phú ở tạm trong nhà dân và các công trình công cộng. Tại đội 9, do địa thế cao nên mức độ ngập lụt đỡ hơn đội 8, tuy nhiên tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều công trình phụ, chuồng trại, nhà vệ sinh của dân đã trôi xuống sông. Năm 2008 hai ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Nguyễn Thị Chải (64 tuổi) và ông Đào Viết Khang (đội 9, thôn 5) bị đổ sập hoàn toàn”. Suốt 6 năm nay, bà Chải ở tạm trong căn bếp chỉ rộng 6 m2, đủ kê 1 cái giường, 1 bàn con để ti vi và mấy đồ lặt vặt. Bốn bức tường đá ong phải chăng bạt ni lông kín mít để đất khỏi vương vãi.
Nhiều lần kiến nghị khẩn cấp
Trao đổi về thực trạng này, ông Bùi Tuấn Cử, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho hay, hiện tượng sạt lở dọc tuyến đê sông Bùi qua địa bàn xã Quảng Bị đã diễn ra từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây trở nên nghiêm trọng hơn. Theo ông Bùi Tuấn Cử, hiện có khoảng 200 hộ dân thuộc thôn 5 bị ảnh hưởng trực tiếp do việc sạt lở gây ra. Nếu không được xử lý, thì sạt lở sẽ còn mở rộng, khoảng 700 hộ dân với 3.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Không chỉ nhà cửa, vườn cây của người dân bị ảnh hưởng, sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến an toàn của tuyến đê sông Bùi. Như đoạn đê K13, thuộc đội 9, gần nhà trẻ thôn 5 bị sạt lở dài 55m, có hiện tượng thấm qua thân đê. Ông Trịnh Đình Trung, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi xã Quảng Bị chia sẻ: “Mỗi khi nước sông Bùi dâng lên mới thấy hết được nguy hiểm. Có khi, chỉ một trận lụt như năm 2008 nữa thì tuyến đê Bùi qua địa bàn xã Quảng Bị không chịu trược”.
Nguy hiểm là vậy, nhưng UBND xã Quảng Bị chỉ có thể xử lý theo giải pháp tình thế, mỗi khi có thông báo mưa to, nước lũ dâng thì lại sơ tán 200 hộ đang bị đe dọa trực tiếp về ở tạm trên địa bàn xã Trần Phú. UBND xã Quảng Bị cũng đã nhiều lần kiến nghị xử lý khẩn cấp đoạn đê Bùi qua địa bàn xã nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng xem xét, đầu tư xây kè, hàng trăm hộ dân xã Quảng Bị vẫn phải ngày đêm sống trong lo sợ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hý cho biết, gia đình bà sẵn sàng hiến đất vườn để làm kè mà không đòi hỏi bồi thường, miễn sao được sinh sống ổn định, không còn phải lo ngay ngáy mỗi đêm mưa, nước lũ về.