Hàng trăm héc ta hoa màu bị đầu độc

ANTĐ - Từng là nơi có nhiều lò gạch thủ công, những người nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội) hiểu hơn ai hết về tác hại của khói bụi từ những “ống xả” lộ thiên ngày đêm triệt hạ hàng trăm hecta cây nông nghiệp. Sau 2 năm yên bình, mấy tháng nay, những lò gạch kia bỗng dưng “tái sinh” khiến bà con nông dân thấp thỏm như ngồi trên lửa.

Những vườn chuối héo rũ vì khói lò gạch và vẻ mặt buồn rầu của những người nông dân

Nguy cơ trắng tay

Đã mấy tháng nay, chiều nào anh Phạm Văn Dũng ở thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, cũng ra đầu vườn chuối ngóng về phía mép nước sông Hồng. Kể từ khi những lò gạch thủ công xuất hiện ở đó thì 7 mẫu chuối cao sản và táo của anh lúc nào cũng trong tình trạng sắp “hết hơi”. Anh Dũng cho biết: Trước đây, phần đất bãi này là nơi tập kết của hàng trăm lò gạch ngày đêm nhả khói. Lợi dụng đất bồi, người ta thi nhau đào xới, băm nát cả khu vực để lấy đất nung gạch bán. Nhưng kể từ khi bị cấm, nơi này thành bãi hoang. Tiếc phần đất màu mỡ, những người nông dân như anh Dũng đã đề nghị UBND xã cho tổ chức đấu thầu để tận dụng khai thác làm nông nghiệp.

7 mẫu đất bãi của anh Dũng, theo tính toán thì chỉ đến cuối năm là sẽ thu hồi vốn. Và từ những năm tiếp theo, người nông dân có thể nhìn thấy khoản lãi của mình. Vì thế anh Dũng đã đầu tư vào đây hàng trăm triệu đồng để san gạt mặt bằng, mua cây giống và thuê nhân công chăm bón vườn cây. Nhưng khi nhìn thấy những lò gạch mọc lên, anh Dũng đã biết trước nguy cơ phá sản. Những hôm lặng gió, khói bụi từ lò gạch bốc lên u ám lan tỏa khắp cả một vùng. Các vườn cây xanh tươi thi nhau héo rũ. Còn người luôn cảm thấy bức bối, tức thở vì mùi ô nhiễm không khác gì than tổ ong. Anh Dũng buồn rầu: “Nếu cứ đà này, toàn bộ vườn chuối của tôi sẽ táp hết lá. Nếu có trụ được thì đến khi ra đọt, cây cũng sẽ bị cháy không thể trổ buồng được. Đó là chưa tính đến vườn táo, có sức chịu đựng còn kém hơn. Theo dự tính thì từ nay đến Tết chúng tôi sẽ có thu hoạch, nhưng như các anh thấy, cứ tình trạng này, nông dân chúng tôi khó có khả năng thành công khi cây liên tiếp bị “hun khói” như hiện nay”.

Khu bãi nổi sông Hồng của xã Thạch Đà có vị trí khá phức tạp. Do dòng chảy của sông Hồng không ổn định nên phần bãi bồi tuy liền thổ với phần đất của xã Thạch Đà, nhưng về địa giới thì một nửa bãi lại do xã Hồng Hà thuộc huyện Đan Phượng quản lý cho dù nó bị sông Hồng chia cắt với đất của xã Hồng Hà hoàn toàn. Chính vì “cách trở đò giang” như vậy nên những lò gạch “lậu” trên cứ ngang nhiên hoạt động mà chẳng sợ sự giám sát của chính quyền. Ông Nguyễn Khắc Thủy ở đội 11, thôn 2, Thạch Đà nói: “Kể từ khi hơn 10 chiếc lò gạch được “kích hoạt” trở lại, người dân chúng tôi rất lo lắng. Nhưng khốn nỗi muốn kêu cũng không biết kêu ở đâu vì thực tế muốn khiếu nại ở xã Hồng Hà thì chúng tôi không phải dân của xã đó. Còn khiếu nại với chính quyền sở tại thì xã Thạch Đà cũng không thể xử lý được vì họ không có thẩm quyền với khu đất này”. 

Mặc dù xã Hồng Hà tuyên bố đã đình chỉ, nhưng thực tế các lò gạch vẫn ngang nhiên “đỏ lửa”

“Chúng tôi không nắm được”

Cũng theo ông Thủy thì những lò gạch “lậu” nói trên đều do người dân xã Hồng Hà vận hành và bắt đầu “đỏ lửa” từ đầu năm 2014. Hiện toàn bộ xã Thạch Đà có khoảng hơn 200 mẫu đất trồng chuối và cây ăn quả đang bị đe dọa mất trắng vì khói lò gạch. Đó là chưa kể tới các xã lân cận như Văn Khê, Chu Phan, Hoàng Kim cũng đều ở trong hoàn cảnh tương tự. “Các anh không thể tưởng tượng được khói lò gạch khiến cây bị táp nhanh đến mức nào. Chỉ cách đây khoảng 2 tuần, do trúng khói lò gạch nên hầu hết diện tích chuối, táo ở đây đều sém lá. Rất may sau đó có vài trận mưa lớn, nông dân chúng tôi bón thúc thêm phân nên cây mới hồi lại được. Hiện là mùa mưa nên lò gạch chỉ hoạt động cầm chừng. Nhưng độ ít lâu nữa, khi chuối trổ buồng mà họ còn đốt lò thì nông dân chúng tôi… chết chắc” – ông Thủy rất xót cho số tiền 300 triệu đồng đã trót đầu tư vào 14 mẫu cây ăn quả của mình.

Dù hàng trăm hacte cây trồng của địa phương mình bị ảnh hưởng từ những lò gạch “lậu”, nhưng xem ra ngay cả UBND xã Thạch Đà cũng khá dửng dưng trước sự việc này. Ông Phùng Viết Sáu ở đội 22, thôn 2, Thạch Đà - người đang sốt ruột vì 30 mẫu chuối của mình có nguy cơ lụi tàn nói: “Chúng tôi đã bàn nhau và nhờ anh Dũng đứng đơn kêu lên xã nhờ can thiệp. Nhưng đơn đã gửi từ nhiều tháng nay mà vẫn không thấy có động tĩnh gì”. Trong khi đó, khi được chất vấn về những lò gạch “lậu” làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân, ông Nguyễn Kiến Trịnh - Phó chủ tịch xã Thạch Đà lại ngơ ngác và không hề hay biết về sự tồn tại của những lò gạch nói trên. Ông Trịnh chối đây đẩy: “Các anh hỏi cán bộ tư pháp hay công an xã xem sao chứ tôi cũng… không nắm được. Tôi hiện đang bận họp!”. Còn ông Phùng Đình Tuấn - Chủ tịch xã lại bình chân như vại: “Mấy cái lò gạch ấy của bên Hồng Hà. Các anh hỏi bên Hồng Hà chứ liên quan gì đến chúng tôi?” (?!)

Khi được hỏi về trách nhiệm khi để tồn tại những lò gạch trên phần đất do địa phương mình quản lý, ông Nguyễn Đình Đà – Chủ tịch xã Hồng Hà cho biết: “Đúng là hiện có một số lò gạch “lậu” đang hoạt động tại khu vực bãi nổi sông Hồng giáp với phần đất của xã Thạch Đà. Nhưng do cách trở đi lại qua sông nước nên khi các lò này xây dựng, cán bộ xã chưa thể giám sát được. Chúng tôi đã lập biên bản và sẽ cố gắng giải tỏa sớm. Hiện các lò này đã dừng hoạt động”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, hiện các lò này vẫn đỏ lửa và tỏa khói mù mịt suốt ngày đêm. Theo thông tin người dân cung cấp thì 1 lò sau khi trừ hết các chi phí nhân công, than củi, vật liệu, trung bình mỗi tháng thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Với khoản lợi nhuận kếch xù này cũng dễ hiểu vì sao những chiếc lò gạch dù to lớn và ô nhiễm như thế vẫn có thể ngang nhiên tồn tại.