Hàng Tết: Nguồn cung dồi dào, sức mua tăng chậm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu- 2021, TP Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng lên tới 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng Tết khó tăng đột biến.
Hàng Tết luôn sẵn sàng phục vụ người dân Thủ đô mua sắm

Hàng Tết luôn sẵn sàng phục vụ người dân Thủ đô mua sắm

Tết Nguyên đán 2021 đã cận kề, các siêu thị lớn tại Hà Nội từ lâu đã “tập kết”, trưng bày hàng hóa phục vụ người dân.

Tại siêu thị BRG Mart Giảng Võ, hàng Tết gồm: bánh mứt kẹo, trà, rượu, hộp quà… được trưng bày ở vị trí dễ nhìn nhất. Tương tự những năm trước, hàng Tết có mẫu mã mới, màu sắc rực rỡ, bao gói tiện lợi… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và biếu quà của khách hàng.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, việc trưng bày và bán hàng Tết cũng được triển khai từ nhiều ngày trước. Đáng chú ý nhất là các mặt hàng bánh kẹo, trà, nước giải khát, dầu ăn, bột nêm…

Một số sản phẩm có giá tốt được bán trong dịp Tết tại Big C như: bánh Danisa 200g: 49.900VND/hộp; Bánh AFC 200g: 20.700VND/hộp; Bánh Choco.pie 12 gói Sakura/Yogurt 360g: 42.900VND/hộp; Hộp quà Tết lô 2 phô mai con bò cười 8 miếng 120g: 55.900VND/hộp; Hộp quà Tết An nhỏ 703,8g: 102.800VND/hộp…

Hệ thống bán lẻ Vinmart/Vinmart+ cũng bán hàng Tết từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay. Các sản phẩm hiện có gồm: bánh kẹo các loại, mứt, ô mai…

Bà Đỗ Tuệ Tâm- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro)- cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô, các loại quả- hạt khô phục vụ Tết, quần áo, các mặt hàng khác…

Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, lượng hàng hóa đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Theo đại diện hệ thống bán lẻ VinMart&VinMart+, doanh nghiệp đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của khách hàng trên toàn quốc. Từ tháng 9/2020, VinMart&VinMart+ đã tăng cường kế hoạch kho vận: mở rộng kho bãi, tối ưu vận hành tổng kho ở 2 miền Bắc và miền Nam, các kho trung chuyển và các địa điểm phân phối tại nhiều khu vực trên toàn quốc; tăng cường giao vận – giao nhận tăng ca, giao nhận ban đêm để đáp ứng hàng hóa cho chuỗi cung ứng rộng khắp. “Tại siêu thị và cửa hàng, chúng tôi đảm bảo về độ phủ về hàng hóa trên các quầy kệ, luôn có hàng hóa mới bổ sung liên tục để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân”- đại diện Vinmart&Vinmart+ chia sẻ.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để phục vụ cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-22% so với Kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết

Riêng với mặt hàng thịt lợn, xác định dịch tả lợn châu Phi vẫn gây ảnh hưởng xấu tới nguồn cung nên Hà Nội đã có phương án để nhập khẩu từ các thị trường có uy tín, nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá.

Cùng với chủ động phòng dịch, khi thời điểm tết nguyên đán đang rất cận kề, Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dồi dào để người dân có thể mua sắm phục vụ Tết.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Sở Công thương đã xây dựng phương án tương ứng với 3 cấp độ dịch. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng gấp 1-3 lần ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Các siêu thị, cửa hàng mua sắm cũng triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch, như bắt buộc nhân viên phục vụ và người dân đến mua sắm phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn, bố trí các điểm thanh toán hợp lý để giãn khoảng cánh, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi sắm Tết.

Tuy nhiên, ghi nhận thị trường hàng Tết cho thấy, mặc dù Tết đã đến rất gần nhưng sức mua hàng Tết của người dân lại tăng chậm. Nguyên nhân phần lớn bởi tác động của dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến người dân vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa hạn chế đi mua sắm để tránh lây nhiễm.