Hàng loạt vụ đe dọa mất an toàn bay từ Flycam

ANTD.VN - Mới đây, tổ lái chuyến bay VNA362 từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) sau khi vừa cất cánh phải báo cáo về Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài có 3 vật phát sáng bay hướng về phía máy bay.

Theo tin từ nhà chức trách hàng không Việt Nam, mới đây tổ lái chuyến bay VNA362 từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) sau khi vừa cất cánh phải báo cáo về Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài có 3 vật phát sáng bay hướng về phía máy bay.

Tọa độ của vật thể bay phát sáng được xác định ở khu vực Yên Phong, Bắc Ninh. Do xác định vật thể lạ ở phía dưới máy bay, không có nguy cơ gây mất an toàn, tổ bay vẫn tiếp tục hành trình như kế hoạch.

Theo nhận định, những vật thể bay phát sáng này là flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim từ trên không).

Hoạt động bay flycam không xin phép đang gây mất an toàn hàng không

Trước đó, hôm 19/9, tàu bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air (Hàn Quốc) từ Seoul đến TP. HCM phải xin hạ cánh khẩn nguy xuống Tân Sơn Nhất. Tổ bay đã thông báo trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh sau khi thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao hơn 600m.

Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) thông tin, kết quả điều tra ban đầu, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định khả năng máy bay va chạm với vật thể lạ, do tác động từ bên ngoài, không phải là chim.

 “Tuy nhiên, việc xác định là vật thể nào vẫn đang trong quá trình điều tra và làm rõ”, ông Tấn nói.

Cũng theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, đơn vị này đã làm việc với Cảng vụ Hàng không miền Nam, phía Hàn Quốc để làm rõ các vấn đề liên quan. Công tác điều tra cũng có sự tham gia của Bộ Quốc phòng trong việc kiểm soát các thiết bị bay siêu nhẹ, thiết bị bay không người lái.

Trước đó, tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, lực lượng kiểm soát viên không lưu liên tục phát hiện vật thể lạ phát sáng trên đường cất/ hạ cánh.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp Công an huyện Đức Trọng và một số huyện, thành thị lân cận tiến hành xác minh và phát hiện các vật thể “lạ” chính là flycam. Cụ thể, trong phạm vi bán kính khoảng 30km với tâm điểm là sân bay Liên Khương, có tới 16 trường hợp sở hữu và sử dụng flycam.

Hiện nay, việc quản lý hoạt động của flycam ở Việt Nam được thực hiện theo Nghị định số 36/2008 của Chính phủ quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ.

Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay. Song, ghi nhận cho thấy, phần lớn các trường hợp bay flycam là bay trộm, không xin phép.