Hàng loạt siêu dự án “đòi” tăng vốn

ANTĐ - Kết quả rà soát mới nhất cho biết, TP Hà Nội hiện có tới 41 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ, gấp nhiều lần số dự án về đích đúng hẹn. Không chỉ có vậy, nhiều dự án lớn đang đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổng vốn đầu tư với số kinh phí đội lên khổng lồ.

Nhiều dự án lớn đang chậm tiến độ do thiếu vốn, “mắc cạn” GPMB

(Trong ảnh: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông nhiều năm vẫn “án binh bất động”)

Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, tính đến 15-11, trong số các dự án trọng điểm của TP, mới có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả, 12 dự án triển khai đúng tiến độ. Bên cạnh đó, có tới 41 dự án chậm tiến độ. Nếu theo phân kỳ đầu tư, 31 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ, 1 dự án chuẩn bị thực hiện bị chậm tiến độ và 9 dự án đang thực hiện đầu tư bị chậm tiến độ. Đáng chú ý, hàng loạt dự án lớn không những bị chậm mà còn nhất loạt xin điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư trong bối cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn hiện nay.

Có thể nêu đích danh một số dự án chậm tiến độ điển hình như dự án cải tạo sông Tích, tuy chưa xong thiết kế kỹ thuật nhưng chủ đầu tư đã trình hồ sơ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng! Dự án bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh (dự án BT) chưa có quy hoạch khu đất đối ứng, chưa có cơ sở xác định dự án đối ứng hoàn trả nhà đầu tư, trong khi tiến độ kế hoạch yêu cầu phê duyệt dự án trong quý II, lựa chọn nhà thầu trong quý IV...

Ở lĩnh vực đô thị, dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ lên 32.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nhà tài trợ chưa có cam kết bổ sung vốn. Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.000 tỷ lên 51.000 tỷ đồng, phải xin ý kiến Chính phủ nên tiến độ phê duyệt điều chỉnh cũng bị chậm (theo kế hoạch là quý IV-2012). Dự án đường vành đai I, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục chậm tiến độ do khối lượng GPMB lớn, tổng mức đầu tư cũng tăng từ 3.400 tỷ lên 5.500 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 2 Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, hiện Sở GT-VT đang trình duyệt dự án, cũng chậm so với yêu cầu. Dự án nút giao Ô Chợ Dừa hiện đang xin ý kiến thẩm tra, trong khi tiến độ yêu cầu phê duyệt dự án từ quý III-2012. Dự án đường 70 đoạn Láng-Hòa Lạc đến Nhổn theo hình thức BT, chưa có quỹ đất đối ứng, theo kế hoạch phải phê duyệt dự án từ quý II-2012 nhưng hiện Sở GT-VT vẫn đang hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt. Một loạt dự án khác như công viên hồ Đống Đa, nghĩa trang Thanh Tước, nghĩa trang Minh Phú cũng chậm tiến độ do vướng GPMB...

Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, ách tắc trong GPMB hiện là cản trở lớn nhất với các dự án trọng điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới GPMB bị tắc, có thể do chính sách đền bù bất cập hoặc quỹ nhà tái định cư thiếu, chất lượng nhà thấp... Thêm vào đó, chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa “thuộc bài”, nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, thậm chí né tránh không dám đương đầu với khó khăn trong GPMB. Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng cũng khiến nhiều nhà đầu tư BT, BOT không còn mặn mà với hình thức “đổi đất lấy dự án”. Do đó, thủ tục triển khai hồ sơ dự án cũng chậm theo. Một vướng mắc lớn nữa là vốn, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa nguồn cung và nhu cầu. Tổng vốn bố trí trong năm 2012 chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu trong 4 năm tới cần tới 164.000 tỷ đồng! Bên cạnh đó, quy trình thủ tục phức tạp  cũng ngốn không ít thời gian.

Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, dứt khoát không vì khó khăn mà phải điều chỉnh kế hoạch của TP. Tuy nhiên, cần phải điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên cho dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Các đơn vị liên quan phải tập trung giải quyết GPMB, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Vướng mắc ở đâu phải được xử lý, khắc phục ngay. TP yêu cầu ưu tiên các công trình dân sinh bức xúc như đường vành đai, cầu vượt chống ùn tắc... để khởi công sớm trong năm 2013. Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát lại các chủ đầu tư. Có thể xem xét rút chức năng chủ đầu tư của các ngành không có chuyên môn xây dựng cơ bản. Đồng thời, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách tái định cư và đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ dự án. Về nguồn vốn, TP có thể tính tới việc chủ động phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực. Giải pháp này đã từng được triển khai hiệu quả với một số dự án trọng điểm của TP trước đây.

Tin cùng chuyên mục