Hàng loạt nghĩa trang sắp đóng cửa

ANTĐ - Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP thông qua, trong 3 năm tới, nhiều nghĩa trang lớn của TP sẽ phải đóng cửa.

Người Hà Nội đang hướng tới mô hình công viên nghĩa trang

Quá tải, đóng cửa

Tóm lược hiện trạng nghĩa trang trên địa bàn TP Hà Nội, các chuyên gia đô thị gói gọn trong 4 cụm từ : “quá  tải - không có quy hoạch - không dịch vụ - không biết khi nào phải di dời”. Theo khảo sát mới đây của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, TP hiện có 6 nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng) với tổng diện tích 104ha. Các nghĩa trang này được xây dựng đã lâu và đều trong tình trạng quá tải (riêng nghĩa trang Văn Điển đã dừng tiếp nhận hung táng từ 15-7-2010). Nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì) có thể khai thác tối đa đến năm 2013. Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng song cũng không thể khai thác lâu dài... Tương tự, nhiều nghĩa trang cấp huyện cũng đã sử dụng gần hết diện tích đất. Trong khi đó, các nghĩa trang cấp xã, thôn đều xây dựng không theo quy hoạch, hình thành tự phát. Công tác quản lý các nghĩa trang nhân dân cấp xã, thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức, việc chăm sóc, vệ sinh nghĩa trang không được thường xuyên.

Tổng diện tích đất xây dựng nghĩa trang hiện là 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên toàn TP. Tại nội thành, rất nhiều khu đô thị, khu dân cư lớn vẫn đang “ôm bọc” lấy các nghĩa trang nhỏ. Dù dịch vụ hầu như không có song chi phí để được chôn cất tại các nghĩa trang nhỏ này rất cao. Đơn cử, tại nghĩa trang Chùa Láng, mức phí cho 1 ô mộ chưa tới 1m2 khoảng 90 triệu đồng. Chi phí cao là điều dễ hiểu bởi đất ở xung quanh khu vực này cũng hàng trăm triệu đồng/m2. Giá cao nhưng không phải cứ có tiền là mua được mà vẫn phải chờ cho tới khi có người dọn “nhà” đi thì người khác mới có thể tới. Thậm chí, ở một số huyện giáp ranh hiện nay có hình thức “cho thuê” ruộng để người chết “tạm trú” trong vòng 3 năm với chi phí không rẻ, khoảng 30-40 triệu đồng.

Mô hình nghĩa trang mới

Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được HĐND TP thông qua, cùng với xây dựng mới, thành phố sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có như Mai Dịch 1, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Văn Điển, Yên Kỳ 1, Sài Đồng trong vòng 3 năm tới. Tương tự, dần dần, các nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ hoặc không nằm trong quy hoạch sẽ phải đóng cửa, trồng cây xanh cách ly. Trong khi đó, việc xây dựng các nghĩa trang mới là vô cùng khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan. Thế nên, xu thế không tránh khỏi là người dân phải tìm đến các nghĩa trang quy mô lớn nằm gần Hà Nội để tìm “nhà” cho người thân khi họ qua đời. 

Một trong những “điểm đến” được nhiều người chú ý là Dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, nơi đã đón “khách” từ năm 2010. Ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư tỏ ra tự tin: “Chi phí ở Lạc Hồng Viên là thấp nhất trong khi dịch vụ là tốt nhất và được quy hoạch đồng bộ nhất. Người ta vẫn nghĩ nghĩa trang là nơi lạnh lẽo, chết chóc nhưng quan điểm của chúng tôi là xây dựng nghĩa trang xanh, sạch đẹp, tôn nghiêm và như một công viên du lịch tâm linh. Người ta tới nghĩa trang sẽ như đi chùa...”. 

Hiện nay, chi phí cho 1 mộ đơn ở dự án là 15 triệu đồng. Quan trọng hơn, mộ phần ở Lạc Hồng Viên là đúng nghĩa “vĩnh hằng”, nghĩa là không có chuyện phải di dời như trong nội thành hay các nghĩa trang phân tán. Về dịch vụ, Lạc Hồng Viên cũng được đánh giá là “đẳng cấp quốc tế” với những dịch vụ lạ đời, từng gây xôn xao như “cúng giỗ online” hay “chăm sóc trọn đời”. Ông Trần Tuấn Anh cho biết, với người cao tuổi, gia đình chính sách, người nghèo... Lạc Hồng Viên cung cấp dịch vụ “mua mộ trả góp”. Chỉ với gần 1 triệu đồng/tháng, sau khoảng 1 năm, đã có thể tìm được nơi an nghỉ xứng đáng cho người thân. Cho rằng bản Quy hoạch nghĩa trang TP Hà Nội là bước tiến lớn trong lĩnh vực này, tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng dự báo, TP sẽ gặp nhiều khó khăn khi trong quá trình triển khai. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang thì không thể dừng lại!