Hàng loạt hành vi tắc trách bị phơi bày trong vụ cháu bé lớp 1 tử vong trên ô tô

ANTD.VN - Sáng 14-1, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ cháu bé lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) dẫn đến tử vong bước đầu được làm rõ qua các lời khai tại tòa.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX đặt ra, bị cáo Nguyên Bích Quy (nhân viên giám sát trên xe của Công ty Ngân Hà) – người trực tiếp đưa đón cháu Lê Hoàng L (sinh ngày 13-6-2013, bị hại trong vụ án) khai, khoảng 6h45 xe đến điểm đón cháu Hoàng L. Lúc này, bị cáo không thấy cháu đứng chờ ở điểm đón nên gọi điện cho mẹ cháu.

Khoảng 10 phút sau, cháu L được một người phụ nữ (giúp việc – PV) đưa xuống. Lúc đó cháu mặc áo đỏ, quần cộc, đi dép đỏ. Cháu khỏe mạnh bình thường, nhanh nhẹn đi tự lên xe, tự ngồi vào hàng ghế thứ 4 từ trên xuống. Cháu ngồi gần cửa sổ, balo màu đỏ, quai xanh, để bên cạnh.

Bị cáo Nguyễn Bích Quy trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.

Bị cáo Quy cho biết, sau khi đón cháu L, xe đi thêm 2 điểm và đón thêm 7 cháu nữa lên xe. Lúc xe gần đến trường, bà Quy gọi các cháu xuống. Bị cáo chính là người mở cửa xe cho các cháu xuống. Sau khi học sinh xuống xe, bà Quy đóng cửa xe lại và không lên xe kiểm tra.

Trước tòa, bị cáo Quy khai không rõ cháu L khi đó có xuống xe hay không. Chiều cùng ngày, bị cáo quay lại trường thì 3 cháu có gia đình đón, 10 cháu bị cáo đón nhưng thấy thiếu cháu L và khi đó xe ô tô của bị cáo Phiến đã đến.

“Khi mở cửa xe, tôi hé xe ra thì các cháu hô lên: “có người chết”. Khi đó cháu L ở tư thế nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng... Sau khi phát hiện, tôi sợ quá không nói được gì” bị cáo Quy trình bày.

Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã công bố lời khai tại CQĐT của 2 cháu bé (nhân chứng) đi cùng xe ô tô đưa đón học sinh với cháu L. Theo đó, cả hai cháu bé đều cho biết, thấy cháu L ngủ trên xe. Chiều tan học xe đến đón, hai bé thấy cháu L nằm trên xe, đầu hướng ra ngoài.

Và theo lời khai của một trong hai cháu bé kể trên, khi cháu xuống xe, cháu L vẫn ngủ. Khi chuẩn bị lên xe ra về, bị cáo Quy thấy thiếu cháu L, tất cả chờ 10 phút vẫn không thấy bé trai đâu. Khi lên xe, cháu bé này thấy cháu L nằm bất động, đầu hướng ra ngoài. Sau đó, có người bế cháu L xuống xe.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Doãn Quý Phiến cho biết, bị cáo này mới lái xe cho Công ty Ngân Hà được ngày thứ hai và có ký hợp đồng. Nhiệm vụ của bị cáo là lái xe đến các điểm để bị cáo Quy đưa đón học sinh.

Tại tòa, bị cáo Doãn Quý Phiến khai nhận có trách nhiệm trong vụ cháu bé lớp 1 tử vong.

Theo lời khai của bị cáo Phiến, chỉ có một danh sách để đi theo cung đường với các địa chỉ, chứ không biết có bao nhiêu học sinh, cháu nào nghỉ, cháu nào đi học. Hôm xảy ra sự việc, bị cáo thực hiện đúng chức năng của lái xe và không kiểm tra lại xe. Khi về bãi, bị cáo cũng không kiểm tra lại xe, chốt cửa rồi ra về.

Trả lời thẩm vấn,  bị cáo Phiến khai trong xe ô tô có gương chiếu hậu nhưng không bao quát hết được học sinh trên xe vì thành ghế cao. Bị cáo này cũng ít sử dụng gương chiếu hậu, chỉ khi lùi xe mới nhìn và bình thường chỉ nhìn gương chiếu hậu bên ngoài.

Về câu hỏi của HĐXX là nếu học sinh ngồi ở hàng ghế thứ tư, lái xe có nhìn thấy không? Đáp lời, bị cáo Phiến khẳng định không nhìn thấy vì thành ghế cao, trong khi các cháu rất nhỏ. Bị cáo này cũng khai, cả quá trình lấy xe, lái xe đến trường, cháu L nằm ngay sau ghế lái nhưng bị cáo không phát hiện ra.

Được hỏi về trách nhiệm của bản thân, bị cáo Phiến xác nhận là có trách nhiệm trong vụ cháu Lê Hoàng L tử vong do bị bở quên trên ô tô. “Bị cáo đã không kiểm tra khoang hành khách” – bị cáo Phiến khẳng định lỗi của bản thân trong vụ án.

Về phần mình, đại diện Công ty Ngân Hà khai, Trường Tiểu học Gateway có gửi thông báo về việc tập huấn cho các monitor (người đưa đón trẻ) và lái xe đưa đón học sinh nhưng cả bị cáo Phiến và bị cáo Quy đều cáo bận không tham dự. Vì thế, Công ty Ngân Hà sau đó phải lấy tài liệu tập huấn về nghiên cứu và truyền đạt lại cho bị cáo Quy.

Đến lượt phải trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) đã không cầm được nước mắt. Bị cáo này khai, năm học 2019- 2020, cô ta được phân công làm chủ nhiệm lớp 1 Tokyo với 17 học sinh, trong đó có cháu Lê Hoàng L.

Trước khi vào năm học, bị cáo đã được tập huấn về sổ tay giáo viên chủ nhiệm và được tập huấn cập nhật phần mềm Sycamore. Buổi sáng xảy ra sự việc, bị cáo không thấy cháu L nên xác định cháu nghỉ học không phép. “Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm phải liên lạc với phụ huynh nhưng bị cáo đã không làm” - bị cáo Thủy thừa nhận.