Hàng loạt doanh nghiệp “kêu trời” về phí bảo trì

ANTĐ - Quỹ bảo trì đường bộ vừa được thông qua thì hàng loạt doanh nghiệp (DN) vận tải phía Bắc đã xin… hoãn thời gian thu và xem xét lại mức thu, nếu không, nhiều DN vận tải sẽ rơi vào thua lỗ.

Việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ khiến các hãng vận tải phải tăng giá vé 

(Ảnh: NGUYÊN VŨ)

Thiết tha đề nghị giãn và giảm

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, cả nước có khoảng 2 triệu ô tô và 35 triệu xe máy. Từ ngày 1-6-2012, Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ phải đóng thêm phí ảnh hưởng trực tiếp đến 40% dân số. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu Quỹ bảo trì đường bộ từ ngày 1-6 tới đây là vội vã. “Cần phải có lộ trình cụ thể, để doanh nghiệp tính toán ảnh hưởng, cân nhắc thu chi. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước được giao làm nhiệm vụ này cũng chưa thể làm ngay được”.

Ông Liên phân tích, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần thời gian để chuẩn bị quy trình lập quỹ, quản lý và sử dụng quỹ sao cho minh bạch, tránh thất thoát. Rồi lại phải tập huấn, hướng dẫn các Trạm kiểm định và địa phương về nghiệp vụ. Ngoài ra, Bộ này còn phải phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành thông tư hướng dẫn… Hơn nữa, nếu triển khai thu ngay từ 1-6 sẽ khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, bởi xăng dầu cũng vừa tăng. Trước ngày 1-7, các DN phải lắp xong thiết bị giám sát hành trình (trung bình gần 7 triệu đồng/xe), nếu phải cõng thêm phí bảo trì thì DN quá sức chịu đựng.

Cũng bởi vậy, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị lùi thời gian thu phí sang ngày 1-1-2013, mức thu năm đầu chỉ bằng 60% mức như Bộ GTVT đề xuất hiện nay và sang năm 2014 sẽ tiến hành thu phí bằng thẻ, xe chạy nhiều thu nhiều, như vậy sẽ đảm bảo công bằng. Kiến nghị này của Hiệp hội Vận tải nhận được sự đồng thuận cao từ hầu hết các DN vận tải. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc hãng taxi Hùng Vương cho biết, hãng này hiện có 300 đầu xe với hơn 600 lao động, với mức Quỹ bảo trì đường bộ như hiện nay, thì đầu tháng 6 tới, DN sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đóng phí bảo trì. “Mức phí như Bộ GTVT đề xuất là quá cao, không chỉ DN mà ngay các lái xe cũng phản ứng vì không thể chấp nhận được. Tôi thay mặt tất cả các DN taxi và lái xe taxi trên địa bàn TP, thiết tha đề nghị Bộ GTVT cùng các bộ, ngành xem xét lùi thời hạn thu và hạ thấp mức phí”. Ngoài ra, ông Tùng cũng cho rằng, các bộ, ngành cần thống nhất quan điểm đưa taxi vào loại hình vận tải công cộng, chứ không phải xe cá nhân.

Trăm dâu lại đổ lên đầu người tiêu dùng

Cho rằng các DN vận tải sử dụng đường thì phải đóng phí,  ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải hành khách Thiên Trường nêu quan điểm, phí bảo trì đường bộ cần có lộ trình cụ thể, để các DN theo kịp và làm quen, không thể nói thu là thu ngay được. Ông Ngọc cho hay: “Hiện, một đầu ô tô đã phải gánh quá nhiều loại phí. Trong khi, bối cảnh kinh tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, nếu tăng thêm áp lực chi phí sẽ khiến các DN ngộp thở”. 

Với hơn 50 đầu xe container, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà bức xúc, chiểu theo quy định, từ ngày 1-6, công ty sẽ phải đóng “một cục” hơn 400 triệu đồng tiền phí bảo trì, còn chưa kể phí kiểm định… “Như vậy là bất hợp lý bởi không phải xe nào cũng chạy đủ 30 ngày/tháng, 12 tháng trong năm, mà còn phải bảo dưỡng, lái xe nghỉ ốm đau”. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, hầu hết  các DN vận tải đều gặp khó khăn, hàng hóa vận chuyển ít, xăng dầu tăng giá, nếu thêm một khoản phí bảo trì đường bộ như trên thì không ít DN phải đóng cửa. Đến nước này chỉ còn biết “mài xe” ra để lấy kinh phí. Nếu không, mọi khoản phí mà DN vận tải chịu, sẽ lại dồn lên đầu người tiêu dùng. Ông Ngọc cho rằng, chính sách của Nhà nước cũng phải gắn liền với lợi ích, phục vụ người dân, DN và người dân cùng đồng tình thì việc đưa vào cuộc sống sẽ dễ dàng hơn..