Hàng loạt chương trình truyền hình nude lên sóng

ANTĐ - Chuyện đưa các cảnh càng trần trụi lên phim đang là một xu hướng mới được các kênh truyền hình theo đuổi, nhằm hút quảng cáo lẫn người xem. Có ít nhất 5 chương trình truyền hình thực tế (THTT) nude đã lên sóng vào tháng 6 và 7 này, như: “Nake and Afraid”, “Naked Castaway” của kênh Discovery (Mỹ), “Dating Naked” của kênh VH1 (Mỹ), “Buying Naked” của kênh TLC (Mỹ) và “Adam zkt Eva” của kênh truyền hình Hà Lan. Nhưng nhiều người nghi ngại, những chương trình “nude” như thế này sẽ gây ảnh hưởng không tốt trong văn hóa, lối sống của cộng đồng, thậm chí tạo nên sự tiêu cực, sa đọa về đạo đức.

Bản lĩnh hay tình cảm cũng đều phải… trần trụi

Ngay tập đầu tiên của Dating Naked (Hẹn hò khỏa thân) của kênh VH1 vừa ra mắt đêm 18-7 mới đây khiến người xem thực sự sốc. Theo kịch bản chương trình, người tham gia Dating Naked sẽ hẹn hò với một vài người khác trong vòng vài ngày với tình trạng hoàn toàn khỏa thân giữa một khu resort nhiệt đới tuyệt đẹp, theo cái cách được các nhà sản xuất mô tả là “rũ bỏ mọi thủ thuật hẹn hò của thế giới hiện đại”. 

Trong khi, các cô gái thì có vẻ ngượng ngùng và dùng mái tóc dài để che bớt vòng 1 nhưng các chàng trai thì hoàn toàn nude. Đại diện VH1 cho hay series này được biên tập cho phù hợp với những tiêu chuẩn khi phát sóng trên truyền hình. Những thủ thuật làm mờ hay chọn góc máy tránh các điểm nhạy cảm trên cơ thể được áp dụng.

Ngay từ khi trailer chương trình này ra mắt đã thu hút hàng triệu khán giả trên thế giới tìm kiếm. Chính vì thế, ngay tập đầu ra mắt, Dating Naked thu hút đến hơn 3 triệu lượt xem.

Trên thực tế, chuyện khỏa thân trong các chương trình truyền hình thực tế đã có trong thời gian gần đây, với sự đánh dấu của các show Real World, Jerry Springer... Song chưa lúc nào mà các show khai thác yếu tố trần trụi này lại bùng nổ và thu hút người xem như hiện nay. Nếu như những show “cổ” thì yếu tố khỏa thân của những người chơi chỉ ở một vài tình huống, nhưng với những chương trình hiện tại như Naked and Afraid, Buying Naked,… thì bắt buộc người chơi hoàn toàn thoát y trong suốt quá trình quay phim và lên sóng. 

Điển hình như series truyền hình thực tế Mỹ Naked and Afraid (Khỏa thân và sợ hãi) được kênh Discovery ra mắt năm 2013 và vừa chính thức lên sóng mùa 3 đầu tháng 7 này.

Theo kịch bản chương trình, mỗi tập phim theo sát cuộc sống của một đàn ông và một phụ nữ - những người lần đầu gặp nhau và phải cùng vượt qua 21 ngày thử thách trong môi trường hoang dã. Trong suốt thời gian này, cả hai đều phải khỏa thân, thi thoảng che bộ phận kín bằng những mảnh vải nhỏ.

Sau khi gặp nhau ở một địa điểm được chỉ định, cặp đôi phải đi tìm nước uống, thức ăn, nơi trú ẩn và vật che thân. Các tình huống sinh tồn của họ luôn mang đến sự bất ngờ cho người xem. Đó là lúc phải chạy trốn rắn hổ mang ở sa mạc châu Phi, hay phải cắt tóc để làm mồi đốt lửa trong tập vừa phát sóng... 

Mỗi tập phim đều là một thử thách. Trong trạng thái khỏa thân, họ được trao cho máy quay phim và nhật ký cá nhân để ghi lại các hoạt động đáng chú ý khi nhân viên ê kíp không có mặt. Và một trang bị không thể thiếu là tấm bản đồ đề phòng trường hợp lạc đường.

Mỗi đội được phát cho một vật hình dạng như đầu thuốc lá, có khả năng phát ra tín hiệu âm thanh. Bất cứ lúc nào muốn dừng cuộc chơi, họ có thể bấm vào nó để kết thúc chuỗi ngày “sinh tử”. Nếu không bỏ cuộc, những người sinh tồn phải đến một địa điểm nhất định trong hành trình vào ngày cuối cùng để được trực thăng, thuyền hoặc những phương tiện hợp lý khác đón…

Sau khi lên sóng, Naked and Afraid nhanh chóng trở thành chương trình có lượng quảng cáo lớn số nhất trong số các kênh truyền hình cáp dành cho nam giới. Discovery cũng cho biết, Naked and Afraid đã trở thành chương trình sinh tồn ăn khách kỷ lục của nhà mạng kể từ năm 2009. Trung bình mỗi tập của Naked and Afraid có khoảng 2 triệu người theo dõi.

Được chiếu trên kênh Channel 5 ngày 8-7 vừa qua, thí sinh của chương trình thực tế “Big Brother” (Người giấu mặt) nổi tiếng nước Anh đã nảy sinh tình cảm sau khi vào ngôi nhà chung. Sau khi nằm trên giường tâm sự, cả hai trùm chăn và có những hành động âu yếm nhau ngay trước máy quay của chương trình được phát sóng ngày hôm sau. Chương trình được nhiều truyền hình trên thế giới mua lại bản quyền và phát sóng. Ở Việt Nam, Big Brother có tên “Người giấu mặt” đã lên sóng một mùa 2013. 

Trước đó, chương trình THTT “Adam zkt Eva” (Adam đi tìm Eva) có nội dung khá giống với “Dating Naked”, nhưng là phiên bản của Hà Lan và đã xuất hiện trên kênh RTL 5 vào đầu năm nay. Chương trình được quay trên một hòn đảo ở biển Thái Bình Dương. Hai người tham gia chương trình, một nam và một nữ hoàn toàn khỏa thân, gặp nhau lần đầu. Cũng có mặt trong buổi gặp gỡ khỏa thân hôm đó còn có một người nữa (cũng khỏa thân) cạnh tranh với nhân vật nam/nữ trong tập đó để giành cảm tình của nhân vật nữ/nam còn lại. Nhân vật thứ ba này sẽ xuất hiện vào giữa tập.

Có đi quá giới hạn?

Khi các gameshow, truyền hình thực tế đang rơi vào thoái trào, việc nâng cao rating và giành giật người xem khiến các nhà sản xuất nghĩ ra các show thật lạ và yếu tố “khỏa thân” là không thể thiếu. Nhà sản xuất chương trình truyền hình Ryan McCormick thừa nhận: “Nhiều kênh truyền hình đang chạy theo những chương trình như thế này vì họ biết đó là xu hướng đang được khán giả ưa chuộng. Chỉ cần có khán giả thì đó được xem là kênh đầu tư có khả năng thành công”. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất truyền hình cũng tự tin cho rằng, dù rằng đánh vào thị hiếu khán giả, nhưng họ không phải thực hiện những thước phim khiêu dâm. Mà ngược lại, họ đang khai thác triệt để góc độ con người ở từng hoàn cảnh, môi trường cụ thể. “Chúng tôi quay tại những địa điểm xa xôi và show sẽ được biên tập theo đúng các tiêu chuẩn của truyền hình. Tất nhiên, những điểm nhạy cảm sẽ được xóa mờ và bạn sẽ thấy, nó chẳng có gì là đi quá giới hạn cả” - ông Ryan McCormick nói.

Đồng quan điểm với Ryan, Giám đốc sản xuất của Naked and Afraid David Garfinkle khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ làm chương trình này với mục tiêu là bóc lột và khai thác sự khỏa thân của người khác làm lợi cho mình, mà đây là một chương trình dành cho gia đình”.

Nhưng rõ ràng, THTT ngày càng khiến người xem mất niềm tin vì tính giải trí bị xem nhẹ, thay vào đó là cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt từ thí sinh cho đến nhà sản xuất theo mục đích thị trường. Nguy hại hơn, nhiều người nghi ngại, những chương trình “nude” như thế này sẽ gây ảnh hưởng không tốt trong văn hóa, lối sống của cộng đồng, thậm chí tạo nên sự tiêu cực, sa đọa về đạo đức.

Sự thật, chương trình THTT nào cũng có kịch bản dàn dựng, được gọi là “thực tế giả tạo” nhưng hệ lụy là nhiều thí sinh trở nên suy sụp tinh thần, trầm cảm khi rời cuộc thi, thậm chí, nhiều người đã tìm đến cái chết. Facois-Xavier Leuridan - thí sinh tham gia “Secret Story” - tự sát ở tuổi 22 vì áp lực tâm lý; hay Gerald Babin - thí sinh chương trình “Koh-Lanta 2013”- phiên bản tiếng Pháp của “Survivor”, đột tử khi chương trình đang ghi hình. Chỉ vài ngày sau đó, bác sĩ điều trị cho Gerald Babin tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh với lý do không chịu nổi “sự bôi nhọ danh dự” khi truyền thông lên án ông không hết lòng cứu chữa Gerald Babin…