Hàng loạt các quốc gia châu Âu hứng chịu thảm họa lũ lụt kinh hoàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quan chức cho biết, ngày 16-7, ít nhất 110 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người vẫn mất tích trong trận lũ lụt kinh hoàng trên khắp các vùng miền Tây nước Đức, Bỉ, Hà Lan… trong khi các hoạt động cứu hộ và tìm kiếm hàng nghìn người mất tích vẫn đang được tiếp tục.

* Hơn 110 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích

Đức là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt

Đức là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt

Các nhà chức trách ở bang Rhineland-Palatinate của Đức cho biết, 50 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 9 người của một cơ sở dành cho người khuyết tật. Các quan chức bang North Rhine-Westphalia lân cận đưa ra con số thiệt mạng là 43 người, nhưng cảnh báo rằng con số này có thể tăng cao hơn nữa.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực khẩn trương để giải cứu những người bị mắc kẹt trong nhà của họ ở thị trấn Erftstadt, phía Tây Nam Cologne. Nhà chức trách khu vực cho biết, một số người đã tử vong sau khi nhà của họ bị sập do sụt lún. Ông Frank Rock, người đứng đầu chính quyền địa phương cho biết, số người thiệt mạng vẫn chưa thể thống kê hết, nhiều người đã không thể thoát ra khỏi nhà khi thiên tai xảy ra. Cuối ngày 15-7, nhà chức trách Đức xác nhận, khoảng 1.300 người ở nước này vẫn được liệt kê trong danh sách mất tích, nhưng cảnh báo rằng con số cao có thể là do dữ liệu bị trùng lặp và khó tiếp cận người dân do đường sá và kết nối điện thoại bị gián đoạn.

Hàng nghìn người đã lâm vào tình cảnh vô gia cư sau khi nhà cửa của họ bị phá hủy. Quân đội Đức đã triển khai 900 binh sĩ để hỗ trợ các nỗ lực giải cứu và dọn dẹp. Trận lũ quét trong tuần qua cùng với những trận mưa lớn liên tiếp đã biến các con suối và đường phố thành những cơn lốc xoáy cuốn trôi xe cộ, làm sập nhà trên toàn khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự đau buồn trước những thiệt mạng về người trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào cuối ngày 15-7. Bà Angela Merkel, đang trong chuyến công du tới Washington, đã gọi đây là thảm kịch quốc gia và bày tỏ lo ngại rằng “mức độ đầy đủ của thảm kịch này sẽ chỉ được nhìn thấy trong những ngày tới”.

Tại nước Bỉ, hầu hết những người thiệt mạng được tim thấy bị chết đuối xung quanh khu vực Liege, nơi hứng chịu các trận mưa lớn nhất. Theo số liệu tạm thời, số người chết ở Bỉ đã tăng lên 12 người, 5 người vẫn mất tích. Tại tỉnh Limpurg, Hà Lan, lực lượng quân đội đã phải đắp các bao cát dài hàng kilomet dọc theo con sông Maas để ngăn nước lũ, trong khi cảnh sát hải đắp các bao, trong khi cảnh sát được huy động để sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ. Vua Hà Lan Willem-Alexander tối 16-7 đã tới thăm khu vực và gọi cảnh tượng xảy ra khiến “trái tim tan nát”. Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, mưa lớn liên tục đã khiến một số sông và hồ bị vỡ bờ. Đài truyền hình SRF đưa tin một trận lũ quét đã cuốn trôi ô tô, làm ngập các tầng hầm và phá hủy những cây cầu nhỏ ở các ngôi làng phía Bắc của Schleitheim và Beggingen vào cuối ngày 16-7.

Các quan chức đã cảnh báo những thảm họa như vậy có thể trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu. Bà Malu Dreyer, thống đốc bang Rhineland-Palatinate, cho biết thảm họa cho thấy sự cần thiết phải tăng tốc các nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. “Chúng tôi đã phải hứng chịu những đợt hạn hán, mưa lớn và lũ lụt trong vài năm liên tiếp, kể cả ở tiểu bang của chúng tôi. Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm trừu tượng nữa. Chúng tôi đang trải qua nó một cách cận kề và đau đớn” - bà Malu Dreyer nói.