Hàng không thế giới "đau đầu" với những sự cố laze

ANTĐ - Hiện tượng tia laze chiếu vào buồng lái chiếc máy bay đang hoạt động ngày càng trở thành mối lo ngại chung đối với các hãng hàng không trên toàn thế giới. Ngay như ở Mỹ, người nào chiếu tia laze vào máy bay có thể bị phạt tới 250.000 USD hoặc cao nhất là 14 năm tù.

Máy bay quay đầu vì phi công bị chiếu laze

Sự cố đáng chú ý nhất gần đây là hôm 14-2-2016, một chiếc máy bay thương mại Mỹ ngay sau khi cất cánh rời khỏi London, nước Anh, đã phải quay lại vì phi công bị tia laze chiếu trúng mắt.

Hàng không thế giới "đau đầu" với những sự cố laze  ảnh 1

Theo Digitaltrends, tối hôm đó, chiếc máy bay của Hãng hàng không Virgin Atlantic hành trình đến sân bay JFK ở New York với 252 hành khách trên khoang vừa rời sân bay Heathrow thì xuất hiện tia laze chiếu vào buồng lái, làm chói mắt cả hai phi công. Ngay sau đó, một trong số 2 phi công cảm thấy không khỏe, buộc máy bay phải quay lại London.

“Sau sự cố này, đầu tiên phi công báo cáo cảm thấy không khỏe. Quyết định sau đó được cả hai phi công đưa ra là quay lại Heathrow hơn là tiếp tục hành trình vượt Đại Tây Dương”, thông cáo của Virgin Atlantic cho biết.

Những sự cố như vậy thường được cho là trò đùa “ngu ngốc” của cá nhân nào đó khi sử dụng thiết bị chiếu laze cầm tay. Khi chiếu vào buồng lái thứ ánh sáng gây mất phương hướng này, các tia laze có thể làm hỏng vĩnh viễn thị lực của bất cứ ai trong đường dẫn trực tiếp của nó.

Theo ông Jim McAuslan, Tổng thư ký Hiệp hội phi công hàng không Anh, tia laze “cực kỳ nguy hiểm” và cần được chính phủ quy định là loại “vũ khí tấn công”, BBC đưa tin.

“Đây không phải là trường hợp duy nhất. Các vụ tấn công máy bay bằng tia laze đang ở mức báo động và với chùm tia laze có cường độ ngày càng tăng”, ông McAuslan nói. “Laze hiện đại có khả năng gây mù và chắc chắn khiến phi công phân tâm rất lớn”.

“Bị tia laze tấn công giống như một tia sét đánh tức thời, rất sáng, về cơ bản là rất chói” – phi công thương mại Janet Alexander nói với BBC. “Và tất nhiên, nếu nó nhắm vào mục tiêu một cách có chủ ý, người đó có thể bị hỏng thị lực vĩnh viễn”.

Tại Anh, cách đây 5 năm đã đưa ra một điều luật, trong đó coi hành vi “chiếu sáng vào chiếc máy bay đang vận hành làm chói mắt phi công” là phạm pháp. Tuy nhiên, các vụ việc kiểu này càng trở nên nghiêm trọng khi cơ quan hàng không Anh thống kê, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm ngoái đã có 414 sự cố hàng không liên quan đến tia laze.

Laze là nguyên nhân gây sự cố hàng không hàng đầu tại Mỹ

Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại ở Mỹ. Ông Ian Gregor, quan chức của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, số sự cố hàng không do chiếu tia laze vào máy bay thực sự “bùng nổ” trong năm 2015. Dữ liệu cho thấy, có 6.624 sự cố được báo cáo trên toàn nước Mỹ trong năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2014.

“Chúng tôi rất lo ngại vì số lượng vụ việc liên quan đến tia laze đang tăng nhanh bởi tia laze chiếu vào buồng lái máy bay có thể gây nguy hiểm đáng kể cho phi công, đặc biệt là trong những giai đoạn quan trọng như cất cánh hay hạ cánh”, ông Gregor nói.

Cục An ninh Vận tải Mỹ trên website chính thức của mình cho biết, một chùm tia laze nhỏ, dù ở khoảng cách xa khoảng 1,6km cũng đủ mạnh để ập vào buồng lái một luồng sáng giống như đèn đèn flash máy ảnh chớp lên trong một chiếc xe hơi màu đen lúc nửa đêm”.

Thực tế, các sự cố máy bay “dính” tia chiếu laze ở Mỹ tăng cao hơn trong các mùa lễ hội, đặc biệt là dịp Giáng sinh, Năm mới, khi các đèn trang trí bằng tia laze được trưng dụng nhiều hơn. Nhà chức trách Mỹ cho rằng, có thể mọi người không ý thức được rằng việc sử dụng đèn laze lại có thể gây hậu quả lớn như vậy. Tuy nhiên, người dân được khuyến cáo là không nên đùa với đèn chiếu laze, bởi đó thực sự là một thiết bị nguy hiểm.

Riêng tại Mỹ, hành vi chiếu tia laze vào máy bay là phạm tội liên bang. Theo luật Cải tiến và hiện đại hóa FAA được Tổng thống Obama ký thông qua năm 2012, hành vi này có thể đối mặt với mức án cao nhất là 14 năm tù giam và 250.000 USD tiền phạt. 

Thực tế, người đàn ông tên Sergio Rodriguez đã bị một tòa án Liên bang kết án 14 năm tù giam, trong khi Jennifer Coleman bị phạt 5 năm tù và bị phạt 250.000USD trong phiên tòa diễn ra vào tháng 12/2013.

Để phòng ngừa sự cố nghiêm trọng xảy ra, một mặt nhà chức trách Mỹ khuyến cáo người dân cách sử dụng đèn chiếu laze an toàn, tuyệt đối không hướng lên trời hay khu vực sân bay, mặt khác các phi công cũng được tập huấn ứng phó với tình huống kiểu như vậy, đặc biệt là sử dụng kính chống tia laze có sẵn trong buồng lái.