Hàng không sôi động, hứa hẹn nhiều kịch tính với sự tham gia của 2 tân binh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng không hiện đã dần sôi động trở lại, lượng khách đi lại tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sự tham gia của 2 tân binh càng khiến thị trường này hứa hẹn sôi động trong thời gian tới.

Khách thông qua các sân bay tăng gần 60%

Từ đầu năm 2022, lượng khách đi lại bằng đường hàng không đã tăng mạnh, đây cũng là lĩnh vực vận tải có sự phục hồi mạnh nhất so với các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt.

Cùng với hàng chục đường bay quốc nội đang tăng dần tần suất, các hãng bay Việt đã khôi phục phần lớn các chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi; mạng đường bay quốc tế sẽ được nối lại gần như toàn bộ trong tháng 3/2022 khi được nhà chức trách Việt Nam và nước ngoài cho phép mở cửa hoàn toàn.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không tháng 2/2022 đạt 6,16 triệu lượt (tăng 57,8% so với tháng 2/2021).

Trong đó, khách quốc tế đã bắt đầu vượt mốc hơn 100.000 lượt khách (tăng 350% so với tháng 2/2021). Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng bay trong nước đạt 3 triệu lượt khách (tăng 56,8%) và 39.400 lượt khách quốc tế.

Sân bay quốc tế Nội Bài đã ghi nhận sự đi lại đông đúc của hành khách

Sân bay quốc tế Nội Bài đã ghi nhận sự đi lại đông đúc của hành khách

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày.

Tính đến nay, Việt Nam mở lại đường bay đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn lại 8 quốc gia, vùng lãnh thổ chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Italy và Thụy Sỹ.

Hiện nay có 6 hãng hàng không, bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO, khai thác 56 đường bay nội địa với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều, tương đương 367 chuyến/chiều/ngày, giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều, tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày so với lịch bay mùa đông năm 2019.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022 Việt Nam sẽ đón 42-43 triệu hành khách, tương đương hơn 50% so với năm 2019, đây là một tín hiệu đáng mừng vì 2 năm dịch bệnh thị trường hàng không gần như đóng băng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 29.500 lượt người (tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ). Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người (tăng 71,7%).

Chờ đợi nhiều bất ngờ

Trong khi thị trường hàng không có dấu hiệu khởi sắc so với 2 năm qua thì tin vui tiếp tục đến khi thị trường này đón nhận cùng lúc 2 tân binh gia nhập. Sun Air dù phân khúc hướng đến phục vụ khách hạng sang thì cũng giúp vận tải hành khách bằng đường hàng không nhộn nhịp và cạnh tranh hơn.

Đại diện Sun Group cho rằng, việc ra mắt hãng hàng không chung trong bối cảnh ngành du lịch thế giới đang ngày càng chuộng những chuyến đi trải nghiệm riêng tư, sau những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, Sun Air sẽ không chỉ thêm một mảnh ghép mới trong bức tranh hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ.

Theo lộ trình, từ quý III/2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, 1 trực thăng và 2 thuỷ phi cơ.

Khi Sun Air với mục tiêu ban đầu hướng vào khách thương gia, hàng không hạng sang thì IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn lại chọn lối đi riêng là hàng không vận chuyển hàng hóa.

Hàng không vận chuyển hàng hóa (cargo) tại Việt Nam chưa có một hãng chuyên biệt, các hãng hàng không Việt hiện vẫn chở hàng hóa theo kiểu tận dụng cùng với hành khách. Bởi vậy, thị trường khổng lồ này hiện đang rơi vào các hãng cargo nước ngoài.

Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng đã cải tạo, tháo ghế ngồi để chở hàng, nhưng đó cũng chỉ là tận dụng mà không thể cạnh tranh được với cargo nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới thì vận tải hàng hóa bằng đường hàng không “lên ngôi”. Bởi, dù Việt Nam đã mở cửa trở lại, không giới hạn về tần suất các đường bay quốc tế nhưng khách đi lại phần lớn vẫn là kiều bào Việt, khách du lịch vẫn còn đang chờ chính sách sau ngày 15/3 tới đây.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, chiếm đến gần 2/3 các chuyến bay quốc tế đến các sân bay lớn của Việt Nam hiện nay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất là vận chuyển hàng hóa.

Dù thị trường du lịch còn chờ đợi chính sách mở cửa sau ngày 15/3 nhưng cũng hứa hẹn sự sôi động phục hồi trở lại sau gần 2 năm đóng băng, nhất là sự tham gia của 2 tân binh mà đến nay vẫn còn nhiều ẩn số khó đoán đối với thị trường này.