Hàng hóa ế ẩm, lạm phát hạ giảm, ai mừng, ai lo?

ANTĐ - Ông Trần Văn Quang, người trồng rau ở Mê Linh - Hà Nội, sáng ngày 19-2-2014 chở hai bao tải bắp cải nhà trồng ra Hà Nội bán. Chạy xe máy Tàu gần 30km ra được đến chợ Quảng Bá, ngồi hơn 2 tiếng đồng hồ, ông không bán nổi lấy một cái bắp cải. Nghiến răng, ông đành đổ buôn cho mấy bà có quầy sạp bán rau hẳn hoi với giá 1.200 đồng/kg. Cả xe rau bán được 46.000đ. Nếu trừ tiền xăng và bát bún riêu ăn sáng, ông lỗ mất 13.000 đồng. Mấy tháng cắm mặt vào luống rau với tiền giống, tiền phân không tính ấy vậy mà bà mua rau còn nói mát: Thương ông ấy thì mua chứ rau bây giờ bán cả ngày không được chục cân.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, chợ đầu mối Bình Điền vào những ngày cuối tháng hai cũng chỉ thấy người bán, không thấy có người mua. Ấy vậy mà đầu chợ hàng dãy xe tải chở ắm ắp rau củ vẫn đang xếp hàng chờ xuống hàng. Mấy quán cơm từ thiện mỗi ngày phải tiếp mấy xe chở rau đến làm từ thiện. Nhưng không chỉ rau, chợ Vườn Chuối (Q3, TP.HCM) vắng tanh. Các chị tiểu thương ngao ngán. Siêu thị liệu có khá hơn? Hỏi một cậu nhân viên siêu thị Co.opmart trên đường Trường Sa (Q3, TP.HCM), cậu ta cũng lắc đầu: Vắng lắm anh ơi, không bằng nửa so với trước Tết.

Cũng đúng thôi, nông dân không bán được nông sản như ông Quang thì phải bớt ăn thịt, các nhà bán thịt không bán được thịt thì bớt mua đồ… Ấy là chưa kể, tính cả nước, lượng lao động không có việc làm ổn định tương đối lớn (ước tính chiếm khoảng 23,5% tổng lực lượng lao động) và 82% người lao động không có bảo hiểm xã hội, các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng trước những trì trệ của nền kinh tế 2 năm qua, thì hạn chế tiêu dùng vào thời điểm này là đương nhiên. 

CPI thấp kỷ lục, lạm phát hạ giảm

CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) 2 tháng đầu năm 2014 tăng thấp nhất tính từ năm 2002, thấp xa so với CPI bình quân của cùng kỳ trong 12 năm trước (tăng 3,37%). Lạm phát toàn phần tháng 2-2014 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2009 mặc dù tháng này là tháng Tết Nguyên đán thiên hạ dốc tiền tiêu, đẩy giá thực phẩm và một số mặt hàng cơ bản lên. Các chuyên gia kinh tế đã phân tích, số liệu lạm phát tháng 2 yếu hơn dự báo đã cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người tiêu dùng. 

Thực tế cho thấy mức tăng ì ạch của CPI trong tháng 2 này tại cả 2 thành phố lớn nhất không phải là hiện tượng quá ngạc nhiên và cũng được nhiều người dự đoán từ trước. Bởi rõ ràng, sau tháng giáp Tết hết tiền vì mua đồ sắm Tết, lại thêm giá cả mấy ngày Tết thường là giá giời ơi (một bát bún riêu ngày thường 20.000 đồng, ngày Tết có thể đến 60.000 đồng), thêm nữa tiền thưởng Tết của các cơ quan, doanh nghiệp năm nay quá “hẻo”, thì đương nhiên nhu cầu mua sắm của người dân trong tháng này sẽ tự nín. Hơn nữa, ngay trong tháng trước, vốn được coi là tháng “cao điểm” mua sắm phục vụ Tết Giáp, người dân còn chẳng mặn mà mua sắm, khiến CPI của Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 0,7% và 0,4%. Lý do đúng nhất là sức mua của người tiêu dùng đã cạn kiệt. Người ta có quá ít tiền để mua hàng. 

Doanh nghiệp càng thêm khó khăn

Trong khi chỉ số GDP quý IV/2013 đã tăng từ mức 5,5% trong quý III lên 6% so với cùng kỳ năm ngoái, các điều kiện nội địa ở Việt Nam tiếp tục suy yếu do bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ lớn vẫn treo lơ lửng và tốc độ cải thiện lĩnh vực dịch vụ chậm chạp. Khối nghiên cứu cho biết, khoảng cách sản lượng của Việt Nam (sự khác biệt giữa tăng trưởng kinh tế tiềm năng và thực tế) đang ở mức âm kể từ năm 2011. Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, thiếu hụt về sản lượng sẽ tiếp tục âm vào năm 2015 với nhân công lao động và vốn hoạt động dưới mức khả năng còn lâu hơn nữa. Điều đáng lo ngại là nếu đầu tư và chi tiêu thiếu hiệu quả trong thời gian quá dài như vừa qua thì nhiều thiệt hại sẽ giáng vào nền kinh tế gây ra những hậu quả dài hạn. 

Rõ ràng, sau một năm kinh tế ảm đạm với mức lương thưởng èo uột, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thông báo nợ lương, cắt thưởng Tết, đương nhiên người dân buộc phải chi tiêu cẩn trọng hơn. Hiện tại, người lao động là những người cảm nhận được rõ ràng hơn ai hết về sự xuống sức của nền kinh tế và biểu hiện rõ ràng nhất là khoản thu nhập hàng tháng của họ đang ngày càng bị thu hẹp. Do đó, thắt chặt hầu bao vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Có thể thấy, tiếp nối một năm kinh tế cám cảnh 2013, các doanh nghiệp lại đang phải xoay sở với tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn ngay trong những tháng đầu năm 2014 này. Không chỉ gặp khó ở đầu ra do người dân chi tiêu dè sẻn hơn mà còn “tắc nghẽn” ngay ở đầu vào do “bất lực” trong việc tiếp cận vốn vay. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hôm 14-2, tín dụng cả nước tháng đầu năm 2014 ước giảm 1,21% so với cuối năm 2013 và giảm mạnh (1,06%) so với cùng kỳ năm 2013 bất chấp việc Chính phủ ra chỉ đạo sớm thúc đẩy cho vay sản xuất. Sự tăng trưởng ì ạch  này đang là một dấu hiệu cho thấy dòng tín dụng đang bị nghẽn lại, đe dọa nghiêm trọng khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vốn đang “chết lả”. Trong năm 2013, tổng số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 12% so với năm trước. Với những khó khăn hiện tại, nhiều khả năng trong năm 2014, con số này sẽ không chỉ dừng ở 60.000. 

Với một nền kinh tế chỉ trông vào xuất khẩu, bỏ rơi thị trường nội địa, những lợi lộc lớn nhất, nói theo ngôn ngữ kinh tế là giá trị gia tăng rơi vào túi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là điều tất nhiên. 

Những cơ hội từ lạm phát giảm

Việc tăng thấp của CPI trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để CPI năm 2014 sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 7%) và là năm thứ 3 liên tục tăng thấp. Qua đó tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi tăng với tốc độ cao, lãi suất huy động giảm xuống, thanh khoản được cải thiện, sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, góp phần để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Cho đến thời điểm này, mặc dù lãi suất tiền gửi đã giảm và lạm phát được kiềm chế như hiện nay tạo điều kiện để lãi suất tiền gửi giảm thêm 1-2% nữa, nhưng trong thực tiễn, vốn rẻ vẫn là mơ ước của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn có tới 90% các doanh nghiệp thuộc hội này không tiếp cận được vốn rẻ của ngân hàng. 

Thêm nữa, lạm phát giảm tạo điều kiện để Chính phủ an tâm tung ra các gói kích cầu, từ trực tiếp cho người lao động tới các giải pháp tài khóa kết hợp với tiền tệ. Cơ sở để hy vọng là các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khi “cục máu đông” nợ xấu được giải tỏa. Cùng với đó, Quốc hội thông qua chủ trương phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, cũng như nới tỷ lệ bội chi lên 5,3% trong năm 2014, được kỳ vọng sẽ là một cú hích đáng kể về vốn đầu tư từ ngân sách để kích hoạt tăng trưởng. 

Và câu hỏi vẫn là chính sách điều hành có thể kích hoạt các doanh nghiệp, qua đó kích cầu tiêu dùng được không?