Hàng hiệu - Đìu hiu chợ chiều

ANTĐ - Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến hàng hiệu có xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện vừa  qua, không ít người tiêu dùng tỏ ra hoang mang, bức xúc và quay lưng lại đối với những mặt hàng này, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hiệu rơi vào cảnh chợ chiều.

Hàng hiệu mất niềm tin, hàng bình dân hút khách

Sức mua giảm mạnh

Ngày 27-11, Phòng Cảnh sát Kinh tế công an TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ 4 ô tô chở túi xách, quần áo, dây nịt... mang các nhãn hiệu Gucci, Dolce&Gabbana xuất xứ Trung Quốc. Ngay sau đó, các cửa hàng Milano - Gucci tại Đồng Khởi, TP.HCM và Hà Nội cũng bị niêm phong. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 19-12, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 4 cùng với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan kiểm tra lô hàng nhập khẩu của Công ty T.N, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện trong container có hàng nghìn sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, Galliano, Valentino... nhưng trên tờ khai hải quan ghi là hàng xuất xứ Trung Quốc, giá từ 1,7-5,25 USD/sản phẩm.

Cách đây không lâu, Báo ANTĐ đã có bài viết “Hàng hiệu-Người mua nói giả, người bán bảo thật” phản ánh trường hợp một khách hàng ở Hải Phòng bỏ ra gần 5 triệu đồng để mua một đôi dép tại cửa hàng thời trang Gucci (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhưng chỉ đi được một ngày, đôi dép đã bong tróc bề mặt da. Sau đó, khách hàng đã đến cửa hàng để khiếu nại, song chủ cửa hàng không đồng ý nhận sản phẩm, trả lại tiền mà chỉ đưa ra phương án hỗ trợ là đề nghị khách để lại sản phẩm, cửa hàng sẽ sửa chữa và gửi cho khách mà không phải chịu bất kỳ khoản phí nào nhưng khách hàng không chấp nhận.

Sau những vụ việc trên, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hiệu giảm sút mạnh. Không chỉ ở các siêu thị, trung tâm thương mại mà việc buôn bán hàng hiệu tại các shop thời trang vốn đã vắng khách nay càng đìu hiu hơn. Tại một cửa hàng thời trang trên phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm sau khi chọn lựa được một đôi giầy gắn mác xuất xứ Pháp, chị Hoàng Thảo Anh, ở khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm vẫn phải mất hàng giờ đồng hồ xem đi xem lại món hàng và đắn đo suy nghĩ có nên mua hay không: “Tôi mua hàng đi biếu nên chọn hàng hiệu. Từ trước đến nay, khi mua hàng, tôi thường quyết định rất nhanh. Nay có thông tin về hàng hiệu “rởm”, tôi chỉ lo mua phải hàng giả nên rất băn khoăn?”.  

Trước tình trạng trên, nhiều cửa hàng đã đồng loạt trưng biển giảm giá để hút khách song biện pháp này tỏ ra cũng không mấy hiệu quả. Chị Thu Trà - chủ một shop kinh doanh quần áo, nước hoa hàng hiệu ở phố Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm cho biết, gia đình chị đã kinh doanh ổn định tại đây gần chục năm. Do hàng chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên cửa hàng khá đông khách. Tuy vậy, gần 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng chục khách vào xem hàng rồi đi chứ không mua. Để khắc phục tình trạng ế ẩm, chị Trà đã phải giảm giá đồng loạt 40% trên mỗi sản phẩm nhưng khách vẫn không mấy mặn mà. 

Vất vả lấy lại lòng tin

Nhằm trấn an khách, nhiều chủ cửa hàng đã tìm mọi cách để chứng minh mặt hàng mình đang kinh doanh là hàng “xịn”. Những loại giấy tờ mà họ đưa ra như phiếu bảo hành, chỉ dẫn cho khách cách xem mã vạch, mác gắn trên hàng hóa bởi mỗi loại hàng sẽ có dãy số riêng để nhận dạng trên toàn thế giới, thậm chí còn xuất cả hóa đơn đỏ khi khách yêu cầu. Cũng theo chị Thu Trà, mã vạch trên sản phẩm thể hiện nguồn gốc xuất xứ của nó. Hiện nay, có khá nhiều người dân quan tâm, tìm hiểu về vấn đề này nên họ dễ dàng phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Còn với những người chưa có kiến thức đầy đủ về hàng hiệu, khi được người bán hàng giải thích cặn kẽ, họ cũng thấy yên tâm phần nào. Để khách hàng tin tưởng hơn, chủ cửa hàng có thể xuất hóa đơn đỏ, đưa cho khách phiếu bảo hành chính hãng. Theo đó, khách có thể đổi hoặc trả hàng miễn phí khi phát hiện lỗi từ sản phẩm.

Luật sư Phạm Công – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hiện trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới như Cartier, Prada, CK, Lacost, Valentino, Carlo Rino, Gucci, Versace... Những mặt hàng này vào Việt Nam qua nhiều con đường: Đại lý phân phối độc quyền và nhượng quyền thương hiệu, xách tay, mua lại…Với hàng hiệu nhập khẩu, chủ kinh doanh phải xuất trình được phiếu xuất, nhập hợp lệ. Bên cạnh đó, mỗi món hàng phải được dán tem của hãng, tem của nhà phân phối, giấy tờ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, mã số để truy xuất nguồn gốc. Không thể phủ nhận được giá trị hàng hiệu mang đến cho người tiêu dùng và lợi nhuận của việc kinh doanh hàng hiệu đối với cá nhân doanh nghiệp, song vì cái lợi trước mắt, một số cá nhân đã kinh doanh gian lận, làm mất niềm tin của khách hàng. Điều đáng nói là hiện nay, việc kinh doanh buôn bán hàng hiệu dường như đang bị thả nổi. Người bán cứ bán, còn người mua thì sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để sở hữu một món hàng chỉ với… niềm tin.

Để không mất tiền oan

Nhằm hạn chế rủi ro, khi mua hàng hiệu, khách hàng nên yêu cầu chủ cửa hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng và phiếu bảo hành sản phẩm. Bởi trong trường hợp hàng hóa bị lỗi, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Hơn nữa, việc xuất hóa đơn cũng chính là sự đảm bảo khá chắc chắn rằng hàng được bán ra là hàng thật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên thận trọng trước khi quyết định mua bất kỳ món hàng hiệu nào và hãy đến những địa chỉ uy tín, tránh việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để rước về một món hàng kém chất lượng.