Hàng ế, giá vẫn phải tăng

ANTĐ - Giá đầu vào của các yếu tố sản xuất mặt hàng sữa tăng cao khiến một số hãng sữa phải tăng giá bán. Điều này khiến tình hình tiêu thụ sản phẩm sữa càng trở nên khó khăn dù đã bước vào đầu mùa nóng. 

Tiêu thụ chỉ bằng 70% năm ngoái

Sức mua các mặt hàng sữa chỉ bằng 70% so với năm ngoái

Ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa quốc tế (IDP) chia sẻ: “Sức mua các sản phẩm sữa năm nay giảm thấp bất ngờ. Những năm trước, thời điểm này thì sữa chua Ba Vì tiêu thụ mạnh lắm, năm nay chỉ bằng 1/3 năm 2011”. Cho rằng năm nay mới thực sự “ngấm” những khó khăn của nền kinh tế, ông Khải nhấn mạnh, các doanh nghiệp sữa đang “lo kinh khủng” và tìm mọi biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho, ứ đọng vốn. Biện pháp hàng đầu là doanh nghiệp đã giữ giá bán sữa chua ổn định từ 2 năm nay, không tăng giá. “Không có nguyên liệu đầu vào nào xuống giá, chúng tôi đã nhiều lần định tăng giá bán nhưng không thực hiện được”.

Cũng trong tình trạng tiêu thụ chậm nhưng do giá mua sữa tươi từ bà con nông dân chăn nuôi bò sữa tăng, lương công nhân và các chi phí khác đều nhích lên nên sữa tươi của IDP đã tăng giá thêm trung bình 8,2% kể từ đầu tháng 4-2012. Ông Khải giải thích: “Việc tăng giá là bắt buộc chứ tiêu thụ chậm lắm. Và về thực chất, giá tăng không nhiều bởi chúng tôi còn phải khuyến mãi, tặng quà thêm cho các sản phẩm nhằm kích thích tiêu dùng”. Trung bình, sức mua các mặt hàng sữa chỉ bằng 70% so với năm ngoái. 

Trong khi đó trên thị trường, một số loại sữa nước như: Milo, cô gái Hà Lan, TH True milk… vẫn giữ nguyên giá bán. Chị Liên - chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Thành Công cho biết: “Nhà phân phối chưa có thông báo tăng giá bán, bản thân chúng tôi cũng không dám tăng bởi hàng bán rất chậm. Có ngày chỉ có một khách hàng hỏi mua 2 lốc sữa. Khách cũng so sánh rất kỹ giá bán giữa các đại lý để chọn lựa”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) là tiêu thụ tốt bởi sản phẩm của Vinamilk xuất khẩu được ra nước ngoài.

Trước thông tin một số hãng sữa bột: Meiji, Angel Grow… áp dụng giá bán mới tăng thêm trung bình 7-8% từ tháng 4-2012 ở khu vực phía Nam, nhiều đại lý tại Hà Nội cho biết, giá các sản phẩm này vẫn ổn định để giữ chân khách.

Tìm mọi cách bán hàng

Giảm sản lượng sản xuất là điều tất yếu các doanh nghiệp phải làm trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc đình hoãn sản xuất. Bởi vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, “để hàng tồn kho nhiều ở thời điểm hiện tại là chết”. Chuẩn bị cho đợt tăng giá sữa tươi áp dụng từ tháng 4 này, IDP đã có chiến dịch quảng cáo từ tháng 2-2012 để người tiêu dùng làm quen với thông tin tăng giá, tránh bị sốc. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh bán hàng trực tiếp tại các chợ, đưa hàng về tận vùng nông thôn, cơ cấu lại sản xuất để tiết giảm chi phí… nhưng lượng hàng bán được không tăng đáng kể. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cho hay, sự sụt giảm sức mua ở thành phố lớn không biểu hiện rõ, nhưng ở vùng nông thôn, lượng hàng bán giảm trông thấy, thậm chí giảm đến 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Bà con các vùng nông thôn rất khó khăn nên sẵn sàng cắt giảm sữa trong khẩu phần ăn của con cái.

Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp sữa trong nước còn áp dụng biện pháp vừa khuyến mãi, vừa phối hợp tiêu thụ hàng. Nhân viên tiếp thị các hãng sữa này mang sản phẩm sữa cho bà bầu, sữa trẻ em đến các bệnh viện, bán với giá ưu đãi và có quà khuyến mãi cho nhân viên y tế các bệnh viện, nhờ nhân viên y tế giới thiệu giúp đến người tiêu dùng. Những khách hàng mua tại bệnh viện cũng được khuyến mãi, giảm giá…