Hàng ăn vẫn ra sức “chặt chém”

ANTĐ - Giá một bát bún, phở bình dân vẫn giữ ở mức 40.000-50.000 đồng khiến nhiều khách hàng giật mình và phải đề ra mục tiêu tiết kiệm bằng cách ăn sáng tại nhà.

Hầu hết các hàng ăn vẫn duy trì giá bán trước Tết

Tăng giá vô lý

Mặc dù hầu hết các hàng quán ăn uống sau Tết đã bán hàng với mức giá ngang bằng trước Tết, nhưng vẫn có một số cửa hàng tiếp tục “chặt chém” khách. Chị Thu (nhân viên văn phòng có trụ sở tại phố Bà Triệu) cho biết: “Buổi trưa ở lại cơ quan, mấy chị em rủ nhau đi ăn bún bò ở ngõ nhỏ trong phố Ngô Văn Sở, quán bún cạnh nhà hàng Lee Tonkin. Ăn xong thanh toán 40.000 đồng/bát bún bò chỉ lèo tèo vài miếng thịt, nước dùng thì nhạt thếch”. Chị Thu cũng cho biết thêm, có khách hàng gọi thêm thịt, bà chủ quán cũng nhanh nhảu tính thêm thành 50.000-60.000 đồng/bát. Trong khi đó, hàng ăn này trước Tết chỉ bán 30.000 đồng/bát - một mức giá phổ biến và chấp nhận được.

Cùng chung nỗi ấm ức khi hàng ăn tăng giá một cách vô lý, chị Mai (phố Lý Thường Kiệt) thở dài: “Hàng phở gà đối diện cổng cơ quan tôi có tiếng là bán đắt. Tết xong còn tăng giá lên 50.000 đồng/bát, thái độ phục vụ lại kém nên hôm nào nhỡ tôi mới ăn. Khách ở đó cũng ngày càng vắng vẻ”. Phổ biến bán hàng ở mức giá này hơn cả là các hàng ăn sáng ở các phố cổ, các nơi gần bến tàu, bến xe hay có lễ hội. Ở các quận xa trung tâm như: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, lác đác một vài hàng quán tăng giá bán nhẹ từ 20.000 đồng/bát lên 25.000 đồng/bát hoặc từ 25.000 đồng/bát lên 30.000 đồng/bát. Mức giá này được coi là mặt bằng chung nên người tiêu dùng dễ chấp nhận.

Như đã thành quy luật, ngay sau Tết Nguyên đán, giá hàng ăn nhanh, đặc biệt là các quán bún, phở, miến thường tăng giá mạnh, có nơi tăng gấp đôi. Nhưng giá bán sẽ nhanh chóng hạ xuống khi mọi hoạt động của các cơ quan, công sở trở lại bình thường. 

Khách hàng thay đổi thói quen

Lý giải cho điều này, nhiều chủ hàng cho biết do giá thực phẩm vẫn giữ ở mức cao. Tuy nhiên, trên thực tế, duy nhất mặt hàng thịt bò vẫn có giá cao hơn so với trước Tết, ở khoảng 260.000-300.000 đồng/kg. Thịt gà, thịt lợn, rau xanh, rau gia vị tương đối rẻ do nguồn cung dồi dào. “Việc tăng giá bán cao là không thuyết phục bởi vì hàng ngày chúng tôi đi chợ, giá cả thế nào nắm được hết. Nếu bát bún đó ngon, đặc biệt thì giá cao đã đành” - chị Thu nói.

Phản ứng trước việc hàng ăn tăng giá, chị Thu Nguyên (Dịch Vọng - Cầu Giấy) chia sẻ: “Mấy lần đi ăn đều bị tính đắt nên tôi rút kinh nghiệm, sáng chịu khó dậy sớm để nấu nướng. Buổi tối trước khi đi ngủ tôi ngâm gạo và đỗ, sáng dậy thổi xôi mất một chút thời gian là xong. Ăn với ruốc hoặc giò, chả. Tính ra cả nhà 4 suất mới hết khoảng 60.000 đồng, tiết kiệm được một nửa chi phí. Tôi cũng đổi bữa, hôm bún, hôm mì để thay đổi khẩu vị”. Để “cải thiện đời sống”, cuối tuần vợ chồng chị Nguyên  đưa 2 con đi ăn sáng ngoài hàng và uống cà phê. “Ăn sáng tại nhà rất tiện và có không khí gia đình nữa”  - chị Nguyên cho hay.

Cùng chung quan điểm này, anh Huy (Lê Văn Lương) cho rằng, nên thường xuyên ăn sáng tại nhà để vừa “ấm bụng”, vừa tiết kiệm lại vệ sinh. Một tuần chỉ nên đổi bữa ăn ngoài 1-2 buổi.