Hạn hán khốc liệt, nắng nóng cường độ mạnh đến sớm

ANTĐ - Hạn hán, xâm nhập mặn được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử 100 năm qua. Không chỉ lúa, hoa màu chết khô mà tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, cây ăn quả cũng đã chết vì thiếu nước. Trong khi đó, đây là năm thứ tư trong vòng 10 năm qua, miền Bắc không có mưa xuân, và nắng nóng được dự báo sẽ xuất hiện sớm.

Hạn hán khốc liệt, nắng nóng cường độ mạnh đến sớm ảnh 1Dọc các tỉnh Nam trung bộ, Nam bộ đang thiếu nước nghiêm trọng

Thiếu mưa, thiếu nước nghiêm trọng

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin, theo tình hình thực tế đang diễn ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chưa bao giờ khu vực này bị  xâm nhập mặn sâu và nặng như vậy. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện mực nước trên dòng chính sông Mê Kông xuống dần. Hiện tại mực nước tại các trạm chính đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 0,15-0,35 m.

Tới thời điểm này, tại trạm Tân An, sông Vàm Cỏ Tây, Long An, xâm nhập mặn lấn sâu tới 75km; tại khu vực Phước Long, Phụng Hiệp, Bạc Liêu hay Gành Hào, Cà Mau, mặn đã xâm nhập vào nội đồng. Các khu vực khác như Nhà Bè, TP.HCM; Trà Vinh; Đại Ngãi, Sóc Trăng; Gò Quao, Kiên Giang… độ mặn đo được cũng rất cao và xâm nhập mặn vào sâu.

Trong khi đó, về tình hình hạn hán tại miền Trung, Tây Nguyên, ông Hoàng Đức Cường cho hay, từ Ninh Thuận tới Bình Thuận phổ biến không mưa và tình trạng này kéo dài từ tháng 12-2015 đến nay. Dự báo trong tuần tới, 2 địa phương này vẫn không có mưa. Tây Nguyên cũng được dự báo không mưa trong tuần tới, trong khi lượng dòng chảy các sông ở Gia Lai, Kon Tum thấp hơn từ 50-70%.

Một số sông suối nhỏ tiếp tục xảy ra tình trạng cạn kiệt như sông Đắk Bla tại Kon Tum đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Dự báo, lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn thấp hơn TBNN khoảng 65-90%. Sông Đắk Bla tại Kon Tum có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử. “Thời tiết ngày càng khốc liệt hơn với nhiều hình thái thời tiết cực đoan”, lãnh đạo Trung tâm DBKTTV Trung ương nhìn nhận.

Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan

Liên quan đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở miền Trung, Nam bộ hiện nay và sự tương quan giữa EL Nino đang diễn ra, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, nhiệt độ 3 tháng qua tại Thái Bình Dương đã giảm dần, từ cường độ mạnh nhất đang trở về trạng thái trung tính. Tuy nhiên, tác động của pha nóng (hiện tượng El Nino) vẫn ảnh hưởng tới thời tiết toàn cầu nửa đầu năm 2016.

Ông Hoàng Đức Cường dự báo: “Tình trạng nắng nóng sớm nhiều khả năng sẽ xảy ra tại Bắc Trung bộ, một số điểm ở Đông Nam bộ với cường độ mạnh. Nửa cuối năm, bão và áp thấp nhiệt đới cũng sẽ phức tạp hơn. Không riêng gì Việt Nam, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì tần suất, cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên trên toàn cầu,”.

Theo đó, Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, nắng nóng, ít mưa vẫn sẽ tác động tới Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới. Đây là năm thứ tư, miền Bắc không có mưa xuân trong 10 năm qua. Đợt lạnh sâu vừa qua tại các tỉnh miền Bắc cũng gần như chấm dứt mùa Đông Xuân 2015-2016, từ nay  tới mùa hè, chỉ còn xuất hiện những đợt rét ngắn ngày, từ 2-3 ngày.

Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, xâm nhập mặn gây thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nghiêm trọng như Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang... Những thửa ruộng khô nứt nẻ, lúa chết và hiện tại, nước cho người và gia súc cũng phải dùng tiết kiệm.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên cơ sở những quy định chung của Nhà nước, Bộ NN&PTNT đang tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn các khoản gồm: hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi để khắc phục hậu quả hạn hán; hỗ trợ tiền điện, dầu vượt định mức; hỗ trợ nạo vét hệ thống kênh trục, hệ thống kênh mương. Ngoài ra, có thể hỗ trợ xây dựng đắp đập tạm và xây dựng một số công trình phục vụ khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn gây ra.