Hạn hán khốc liệt, lại "ngóng" mưa nhân tạo

ANTĐ - Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với đợt hạn và mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Tình trạng thiếu nước được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này, mưa nhân tạo lại được đề cập đến, nhưng kể từ khi nghiên cứu đến nay, đã hơn 15 năm trôi qua, mưa nhân tạo vẫn là lý tưởng xa vời.

Hạn hán khốc liệt, lại "ngóng" mưa nhân tạo ảnh 1Năm 2014, Đà Lạt đã làm mưa nhân tạo ở quy mô nhỏ phục vụ lễ hội

Nghiên cứu rồi để đấy

Năm 2005, mưa nhân tạo đã được các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy văn và môi trường đề cập đến. Vào thời điểm ấy, nhiều hứa hẹn đã được đưa ra, đến năm 2010, chúng ta có thể làm mưa nhân tạo phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội trước hết ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ và sau đó sẽ mở rộng ra phạm vi cả nước. Tuy nhiên đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt thì người dân ở vùng hạn, vùng khô vẫn ngóng chờ mưa nhân tạo để giải cơn khát. 

PGS.TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT, từng là trưởng nhóm nghiên cứu về đề tài gây mưa nhân tạo ở Việt Nam) thông tin, năm 2002, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường nghiên cứu về việc triển khai thực hiện dự án mưa nhân tạo tại Việt Nam và nếu hiệu quả sẽ đề xuất với Bộ để thực hiện dự án mưa nhân tạo tại Việt Nam.

Việc này xảy ra khi phong trào nghiên cứu và thực hiện mưa nhân tạo rất rầm rộ trên thế giới. Tuy nhiên, khi báo cáo với lãnh đạo Bộ TN-MT, lãnh đạo Bộ nhận thấy rằng, hiện tại trình độ khoa học, công nghệ của ta còn hạn chế, phương tiện, thiết bị còn lạc hậu, phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn nhưng chưa khẳng định được hiệu quả. Vì vậy, đã quyết định chưa triển khai dự án làm mưa nhân tạo, tiếp tục nghiên cứu cho tới khi khẳng định được hiệu quả kinh tế của việc làm mưa nhân tạo.

Theo PSG Vũ Thanh Ca, làm mưa nhân tạo theo nguyên tắc tác động tích cực vào đám mây để bắt đầu quá trình mưa hoặc tăng cường quá trình mưa trong mây tùy thuộc vào công nghệ của mỗi nước.

Các chất thường dùng để tác động vào mây tạo mưa nhân tạo là các khí ni tơ lỏng, muối ăn, carbonic lỏng. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp tác động tích cực vào các đám mây để tạo mưa chỉ có thể thực hiện được với một số điều kiện. Bất cập lớn nhất hiện nay về kỹ thuật là, vào mùa khô, các đám mây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ ấy để tạo ra mưa lại không nhiều.

Việt Nam bao giờ có mưa nhân tạo?

Năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản đã sử dụng thiết bị tạo đám mây để gây ra mưa sau khi mực nước ở các con đập cung cấp cho vùng Thủ đô Tokyo bị giảm xuống dưới mức bình thường. Năm 2015, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - một trong những nước khô cằn nhất thế giới đã sử  dụng thành công công nghệ gây mưa đưa vào chống hạn… 

Còn tại Việt Nam, mưa nhân tạo vẫn là câu chuyện xa vời. PGS Vũ Thanh Ca cho rằng, nghiên cứu khoa học là để cung cấp luận chứng cho quá trình ra quyết định. “Đề tài của chúng tôi đã thực hiện đúng mục tiêu này, nêu rõ những luận chứng khoa học để giúp lãnh đạo Bộ TN-MT quyết định có xây dựng và triển khai một dự án đầu tư lớn hay không”.

Ngoài các kiến nghị về làm mưa nhân tạo, đề tài cũng đã cung cấp nhiều kiến thức về vi vật lý mây, các đề xuất cải thiện hệ thống ra đa thời tiết cũng như mô hình số trị dự báo thời tiết để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết và góp phần đào tạo nguồn nhân lực. “Với toàn bộ kinh phí của đề tài trong 2 năm khoảng 970 triệu đồng và các kết quả đạt được, tôi cho rằng đề tài là không lãng phí”, PGS Vũ Thanh Ca khẳng định.

Tuy vậy, đề cập đến việc khi nào đề tài này có thể nghiên cứu triển khai thành một dự án lớn trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, ông Vũ Thanh Ca cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào nhiều cấp và ông cũng không thể khẳng định, khi nào Việt Nam sẽ có mưa nhân tạo.