Hạn chế tiêu cực trong công tác trọng tài: Tiền không chưa đủ

ANTĐ - Thành lập Ban trọng tài và tăng tiền chế độ cho đội ngũ “vua sân cỏ” được VFF cho là giải pháp tối ưu để có thể giải quyết những sai sót, tiêu cực trong công tác điều hành trọng tài.

Trọng tài Nguyễn Văn Quyết đã bị treo còi vĩnh viễn

Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng thẳng thắn: “Chế độ dành cho trọng tài quá thấp. Vậy thì trọng tài biết ăn vào đâu? Chỉ có ăn vào đội bóng thôi”. Câu nói ấy có thể khiến nhiều trọng tài phật lòng, song đi vào tìm hiểu mới thấy, thu nhập của các “vua sân cỏ” quả thật là thấp trong sân chơi chuyên nghiệp.

Mùa giải 2011, bóng đá Việt Nam lần đầu mang tên chuyên nghiệp sau 10 năm thử nghiệm. Hợp đồng tài trợ nhiều hơn, 30 tỷ đồng từ Eximbank, đóng góp của các đội bóng cho VFF cũng tăng từ 1,5 cho đến 2 lần so với năm trước. Thế nhưng chế độ dành cho trọng tài không nhiều thay đổi, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Theo đó, trọng tài chính ở V-League nhận 2,8 triệu đồng/trận, trọng tài bàn 2 triệu và trợ lý nhận 1,8 triệu đồng. Hạng Nhất, trọng tài chính chỉ được 1,3 triệu đồng/trận, trọng tài bàn 1 triệu và trợ lý là 700 nghìn đồng.

Như vậy nếu tuần nào cũng được BTC giải giao việc, các trọng tài tham gia điều hành V-League nhận được từ 8 đến 10 triệu đồng và hạng Nhất vào khoảng 4 đến 6 triệu đồng. Đặt trong mặt bằng V-League với cơn bão tiền tấn về chuyển nhượng, chế độ lương, thưởng thì thu nhập của trọng tài quá thấp. Tuy nhiên, nếu chỉ coi việc thành lập Ban trọng tài và nâng chế độ là giải pháp tối ưu trong nỗ lực giải quyết triệt để những sai sót của trọng tài, đặc biệt là những tiếng “còi méo” thì có lẽ là một sai lầm lớn. Thực tế, nhiều trọng tài đến với sân cỏ chỉ là sự đam mê và họ có nhiều nguồn thu chính đáng khác để đảm bảo cuộc sống.

Thế nên, “điểm nóng” trọng tài chỉ được giảm thiểu, hay đúng hơn là không để lặp lại những tiếng còi như của ông Trần Công Trọng trên sân Lạch Tray hay Nguyễn Văn Quyết tại Bình Dương, thì Ban trọng tài sau này và BTC giải cần phải có những biện pháp mạnh tay khi sự cố phát sinh. Bên cạnh đó, cần phải tạo ra được sự công bằng, khách quan trong công tác phân công đội ngũ trọng tài đi làm việc, hay đề cử vào các danh hiệu như FIFA, “còi vàng”, “cờ vàng”...

Đừng để tồn tại những sự bất công, sự dung túng nào đó ngay trong đội ngũ trọng tài mới được coi là phương pháp giải quyết tận gốc vấn đề.