Hạn chế khiếu kiện kéo dài, giảm áp lực cho toà án bằng đối thoại, hoà giải

ANTD.VN - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình chỉ ra 10 điểm ưu việt mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, hoà giải, trong đó nhấn mạnh việc giảm áp lực cho toà án, hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình 

Chiều 19-11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trước khi thảo luận về dự luật này.

Trình bày tờ trình về dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Hoà giải thành, đối thoại thành sẽ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử, kết quả hoà giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận.

Sau 10 tháng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, hiệu quả, hoà giải, đối thoại thành 36.985/47.493 vụ việc, đạt 78,08%. 

Ông Nguyễn Hoà Bình chỉ ra 10 điểm ưu việt mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại, trong đó nhấn mạnh việc luật ra đời sẽ đáp ứng mong muốn của các bên là giải quyết nhanh chóng, thông tin được bảo mật; giảm áp lực cho toà án, hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; khắc phục được bất cập về sự vắng mặt của các cấp có thẩm quyền trong giải quyết vụ án hành chính theo quy định của luật tố tụng, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu kiện hành chính...

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá việc thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố đạt kết quả hòa giải thành, đối thoại thành 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. 

Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành sự cần thiết phải quy định việc công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. 

Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục cụ thể thì cần được quy định theo hướng vừa tạo sự thuận lợi cho các bên, nhưng vừa phải bảo đảm chặt chẽ vì quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có giá trị như bản án, có hiệu lực thi hành ngay khi được Tòa án công nhận. 

“Vì vậy, đề nghị trình tự, thủ tục cụ thể công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được thực hiện theo quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”, bà Nga nhấn mạnh.

Về thời hạn hòa giải, đối thoại, Uỷ ban Tư pháp đề nghị quy định rõ thời gian tổ chức phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không tính vào thời gian 20 ngày của thời hạn hòa giải, đối thoại nêu trên để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.