Hãm “phanh” nợ xấu

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ đầu năm tới nay, tỷ trọng nợ xấu chiếm 4,17% trên tổng dư nợ và tốc độ tăng không ngừng, trong khi sức phục hồi của doanh nghiệp tăng chậm. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) không có đầu ra, thiếu nguồn tiền để xử lý nợ xấu. Đây là những yếu tố góp phần gia tăng nợ xấu, khi món nợ cũ chưa được xử lý dứt điểm. Nợ xấu tăng chủ yếu do sự hồi phục của doanh nghiệp còn yếu, cầu tín dụng tăng thấp. Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,5% so với cuối năm 2013 và dự kiến mức tăng cả năm vẫn trên dưới 10%.

Theo giới chuyên gia, cơ chế hoạt động của VAMC ở các quốc gia thực chất là nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, “ôm” khoản nợ đó một thời gian. Sau đó, khi kinh tế thực sự phục hồi, thị trường tài chính và bất động sản ấm lên, nhà nước sẽ bán ra. Những ngân hàng bán nợ “sống lại” là nhờ bán dứt điểm được khoản nợ, có “tiền tươi, thóc thật” để kinh doanh, hồi sinh. Tuy nhiên ở Việt Nam, VAMC mua nợ bằng giấy, tức là trái phiếu đặc biệt, được mang đến Ngân hàng Nhà nước để vay tiền. Khi bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đi đòi nợ và thêm một công đoạn mới là mỗi năm phải trích dự phòng rủi ro 20% tổng giá trị tờ giấy.

Đúng như ngân hàng nhà nước đã định nghĩa khi VAMC  đi vào hoạt động, đây không phải “đôi đũa thần” vì nó không có tiền. Trong cuộc họp thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, đại diện VAMC cho biết, công ty này đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo không qua đấu giá. Ba lần tổ chức đấu giá đều thất bại. Theo Chủ tịch VAMC, không nên coi VAMC chỉ có một giải pháp là mua nợ rồi để bán, mà sau khi mua sẽ rà soát, đánh giá chất lượng các khoản nợ để có giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể khoản nào có thể cơ cấu thì hỗ trợ cho doanh nghiệp, khoản nào còn khả năng phục hồi thì VAMC sẽ giảm lãi suất để doanh nghiệp có cơ hội tồn tại và phát triển. Thậm chí với những doanh nghiệp là “con nợ” của VAMC, nếu muốn vay vốn sản xuất, kinh doanh, công ty sẵn sàng hỗ trợ. Tuy vậy năng lực tự xử lý nợ xấu lại phụ thuộc vào khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Làm cách nào để nợ xấu bớt… xấu vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Theo thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, bên cạnh các giải pháp của VAMC, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý và chờ đợi thị trường tài chính khởi sắc, dứt khoát phải có một nguồn tiền thực nhất định từ ngân sách để xử lý các khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại do nhà nước chi phối vốn. Có như vậy mới hy vọng “phanh” được tốc độ gia tăng nợ xấu hiện nay.